Đừng để người khiếm thị gặp khó với dịch vụ ngân hàng

Ngày đăng: 07/05/2021 - 876 lượt đọc

Tôi là người khiếm thị (NKT) đi mở tài khoản (TK) ngân hàng (NH). Trong 12 NH mà tôi liên hệ để xin mở TK có 8 nơi yêu cầu tôi phải ra công chứng làm thủ tục ủy quyền cho người giám hộ, chỉ có 4 nơi đồng ý cho tôi mở TK theo quy trình bình thường.

Việt Nam có gần 1 triệu người khiếm thị nên rất cần ngân hàng hỗ trợ họ mở tài khoản và sử dụng thẻ ATM - Ảnh mang tính minh họa: D.Đ.M

Đó chỉ là kết quả của một khảo sát sơ bộ thông qua tổng đài hỗ trợ của các NH. Việc NKT có được mở TK giao dịch theo cách thông thường hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nhân viên phục vụ tại quầy. Tình trạng NKT bị từ chối và gây khó dễ trong các giao dịch NH đã diễn ra hàng chục năm nay và nó luôn là nỗi bức xúc âm ỉ trong cộng đồng NKT. 

Với tổng số 960.000 người, NKT đang chiếm 1% dân số và 14% trong số người khuyết tật. Với họ, kiếm được đồng tiền đã khó, giờ lại gặp muôn vàn khó khăn khi tìm nơi cất giữ an toàn. Và, số lượng NKT đang tăng lên khi có thêm nhiều người bị khiếm thị do tai nạn, lão hóa hoặc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường. 

Các NH vẫn nói, họ có quy định NKT phải ủy quyền cho người giám hộ mở TK và giao dịch. Lý do là NKT không đọc được văn bản in, không kiểm được tiền mặt và không ký được.

Nhưng đôi khi, NKT vẫn may mắn gặp được nhân viên NH linh động cho mở TK theo quy trình thông thường. Sau đó, khi cần đến NH, họ cứ ra chi nhánh đó và làm việc với nhân viên đó. Nếu không may vào một quầy khác, gặp một nhân viên khác hoặc cấp trên phát hiện ra nhân viên kia đã linh động mở TK cho NKT, nhân viên đó có thể bị kỷ luật. Thế là các nhân viên tại quầy đều bị “robot hóa”, không dám làm đúng pháp luật: giúp NKT thực hiện quyền của mình, mà phải theo những quy định hạn chế, ràng buộc của NH.

Lời giải cho nỗi lo của ngân hàng

Những vấn đề rủi ro đối với khách hàng là NKT mà NH lo ngại xuất phát từ sự thiếu nhận thức của họ về năng lực và quyền của NKT. Hiện nay, tất cả các vấn đề đó đã có lời giải. 

Với khả năng nhận thức bình thường, NKT biết khi nào họ cần sự trợ giúp của người sáng mắt. Tất nhiên, trong giao dịch NH, họ sẽ không nhờ một người lạ đi cùng để kiểm tiền cho họ. Người trợ giúp phải được NKT tin tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa họ bị ràng buộc hay phụ thuộc vào một người nhất định (người giám hộ như NH yêu cầu) trong mọi giao dịch.

Hơn nữa, có nhiều NKT hiện sống độc lập, xa gia đình ở các đô thị. Việc buộc phải có cha mẹ, anh chị em ruột giám hộ trong giao dịch NH là điều không thể. Công nghệ hiện đại ngày nay đã có thể hỗ trợ NKT scan và đọc văn bản trên điện thoại hoặc đọc bản mềm nếu NH gửi cho họ. Các ứng dụng di động cũng giúp họ nhận biết mệnh giá tiền.

NKT cũng hoàn toàn có thể sử dụng các ứng dụng của NH điện tử với sự trợ giúp của các ứng dụng đọc màn hình. Cách quản lý và giao dịch không tiền mặt này cũng tiện lợi và an toàn cho họ hơn rất nhiều. Ngay cả người sáng mắt cũng không thể khẳng định họ ký trăm lần như một. Vậy, vấn đề chữ ký của NKT khác nhau trong các lần giao dịch cũng là chuyện bình thường. Cách giải quyết vấn đề này rất đơn giản là lấy dấu điểm chỉ vân tay.

Pháp luật công nhận về quyền giao dịch dân sự của người khiếm thị

NKT từ 18 tuổi trở lên không thuộc những nhóm cần có người giám hộ (như người chưa thành niên, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… được quy định tại điều 136, Bộ luật Dân sự 2015). Họ hoàn toàn được thực hiện và tự chịu trách nhiệm với các giao dịch dân sự của mình như giao dịch NH.

Khi yêu cầu NKT phải có người giám hộ mới được mở TK, các NH lý giải là để “bảo đảm an toàn và giảm thiểu rủi ro cho khách hàng”. Điều đó là không đúng, bởi điều 4, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội”. Khoản 3, điều 2 quy định: “Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó”. 

Từ năm 2018, NH Nhà nước Việt Nam đã ban hành yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nghiên cứu rà soát quy trình, tập huấn cho nhân viên và phối hợp liên NH để hỗ trợ khách hàng là NKT mở TK thanh toán và sử dụng thẻ ATM. Hy vọng rằng những căn cứ pháp lý và thực tiễn trên đây sẽ giúp các NH hiểu rằng NKT hoàn toàn đủ nhận thức và năng lực ra quyết định, thực hiện và chịu trách nhiệm về các giao dịch như những khách hàng sáng mắt. Thực tế là, NKT ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… hoàn toàn được làm chủ TK và không bị yêu cầu có người giám hộ.

Tôi tin rằng toàn thể cộng đồng NKT ở Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng đóng góp ý kiến, chia sẻ các nhu cầu và trải nghiệm của họ để giúp các NH cải thiện dịch vụ. Khi các NH đáp ứng được nhu cầu của những nhóm khách hàng đặc biệt, thì thị phần của họ càng được mở rộng, uy tín của họ ngày càng được nâng cao. 

Nguồn: phunuonline.com.vn

Sưu tầm: Quỳnh Trang