Lễ kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” và 52 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam

Ngày đăng: 16/04/2021 - 1548 lượt đọc

Ngày 16/04, tại hội trường Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù đã diễn ra Lễ kỉ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” và 52 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam.

Toàn cảnh Hội trường buổi lễ

Tham dự có Ban Lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam, Công đoàn cơ sở và Chi đoàn Thanh niên Hội Người mù Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm cùng toàn thể học viên khóa 84.
Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã luôn dành tình yêu thương bao la cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Và những thương binh hỏng mắt, những người mù Việt Nam thật may mắn khi được trực tiếp đón nhận những tình cảm và sự quan tâm hết sức to lớn của Người. Vào đêm giao thừa Tết Bính Thân năm 1956, Bác đã đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt và để lại lời dạy thiêng liêng “Tàn nhưng không phế”.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ

Trong Lễ kỉ niệm, những câu chuyện cảm động, những kỉ niệm sâu sắc, thể hiện tình cảm đặc biệt của Bác dành cho những người thương binh hỏng mắt, những người mù Việt Nam cũng được kể lại qua bài phát biểu của bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam.
“Sau khi đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt ít lâu, Bác đã thể hiện sự quan tâm bằng việc gửi tặng 200 đồng để Trường tổ chức tăng gia cho anh chị em. Bác cũng gửi tặng Nhà trường tấm áo kaki, quà tặng của Nhóm Liên Việt thành phố Hồ Chí Minh dành cho Bác để Trường làm phần thưởng cho học viên xuất sắc. Và năm 1960, khi Trường Chữ nổi Ba Đình được thành lập, Bác đã chỉ đạo đồng chí Trần Duy Hưng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính của Hà Nội đến tìm hiểu và sau đó đã có những chính sách, những kế hoạch, những sự quan tâm hết sức thiết thực cho các học viên của Trường cũng như người mù nói chung bằng việc tặng bảng, bút chữ nổi và miễn vé xe điện cho người mù đi lại trong thành phố. Tết Nhâm dần 1962, cam trong vườn Bác ra trái đầu mùa và Bác đã gửi tặng cam cho Trường Thương binh hỏng mắt, đồng thời Bác cũng gửi tặng cam và bảng, bút chữ nổi cho Trường Chữ nổi Ba Đình. Và đến ngày 17 tháng 4 năm 1969, Hội Người mù Việt Nam được thành lập trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Tháng 6 năm 1969, Bộ Nội vụ đã thông báo với Hội rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó mặc dù Bác đang ốm và chỉ mấy tháng sau đó Người đã đi xa mãi mãi, đã gửi lời thăm hỏi động viên và yêu cầu Hội báo cáo với Bác về tình hình người mù. Hội đã báo cáo với Bác và xin phép Bác được lấy lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Người làm phương châm hoạt động.”
Và trong suốt 50 năm qua, lời dạy thiêng liêng đó đã là kim chỉ nam, là ánh sáng dẫn đường để toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam cùng nhau đoàn kết, phấn đấu xây dựng Hội và vươn lên hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội. 
Cũng trong quá trình đó, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng đã ra đời, là ước mơ, là thành quả phấn đấu của biết bao thế hệ cán bộ hội viên sau gần 30 năm thành lập, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam và tình cảm cao đẹp của bạn bè đồng tật quốc tế đã dành cho người mù Việt Nam. Và để không phụ lại những tình cảm, những sự quan tâm đó, trong suốt hơn 20 năm qua, Trung tâm đã không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đổi mới phương thức hoạt động và mở rộng nội dung, quy mô chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để giúp người mù Việt Nam nâng cao kiến thức kỹ năng vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Từ những sự nỗ lực, những thành tích đã đạt được, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành ghi nhận bằng nhiều tấm huân chương, bằng khen và những phần thưởng cao quý. Bên cạnh đó, hoạt động của Hội Người mù Việt Nam, của Trung tâm đã được Hội Người mù thế giới, Hiệp Hội Người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương cùng các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Để hôm nay đây, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” và 52 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam, tập thể Cán bộ, công nhân viên Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù cùng ngồi lại nơi đây, cùng hòa mình trong lời ca tiếng hát, hòa mình trong những tiếng cười, trong không gian ấm áp và trang trọng để khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Bác, và một lần nữa ôn lại chặng đường đầy gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang và rất đỗi tự hào mà Tổ chức Hội và Trung tâm đã đi qua. Cùng thắp lên ánh sáng của niềm tin, của ý chí và thể hiện sự quyết tâm phấn đấu thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác, để lời dạy thiêng liêng đó sẽ không chỉ đọng mãi trong trái tim mà sẽ được kết tinh trong mỗi hành động việc làm, trên bước đường xây dựng tổ chức Hội, Trung tâm ngày một phát triển vững mạnh góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của xã hội.

Cũng trong buổi sáng và chiều cùng ngày, Trung tâm phối hợp với Công đoàn cơ sở đã tổ chức cho cán bộ, đoàn viên Công đoàn, Chi đoàn và toàn thể học viên K84 tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao văn hóa văn nghệ như Bóng lăn, Kéo co, văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức chủ đề về Hội, về Bác và những kỉ niệm Bác dành cho Hội và tham gia các trò chơi như "Sờ đồ đoán vật"... Các phần thi thể thao, văn hóa văn nghệ diễn ra hết sức sôi động, gay cấn, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi và tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa cán bộ, đoàn viên Công đoàn, Chi đoàn Hội Người mù Việt Nam với anh chị em học viên. 

Thi Bóng lăn 

Thi Kéo co

Thi Văn nghệ

Trò chơi "Sờ đồ đoán vật"

 

Phạm Mai