Nga duyệt vắcxin ngừa COVID-19, 20 nước mua 1 tỉ liều, WHO: 'Cần đánh giá thêm'

Ngày đăng: 12/08/2020 - 744 lượt đọc

Dù Nga tuyên bố phê duyệt vắcxin COVID-19 đầu tiên trên thế giới, hiệu quả và quá trình xét nghiệm loại vắcxin này vẫn khiến các chuyên gia lo ngại. Tổ chức Y tế thế giới cho biết cần đánh giá dữ liệu của Nga trước khi chấp nhận vắcxin này.

 

Một nhà khoa học làm việc trong phòng nghiên cứu vắcxin COVID-19 tại Matxcơva, Nga, ngày 6-8 - Ảnh: REUTERS

Sau khi tuyên bố phê duyệt loại vắcxin COVID-19 đầu tiên, Nga cho biết sẽ bắt đầu sản xuất vắcxin này kể từ tháng 9-2020. Khoảng 20 quốc gia đã đặt trước 1 tỉ liều vắcxin. 

Ông Kirill Dmitriyev, lãnh đạo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cho biết khi phối hợp với các đối tác nước ngoài, Nga có thể sản xuất đến 500 triệu liều vắcxin mỗi năm tại 5 quốc gia.

Loại vắcxin mới do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển sẽ có tên chính thức trên thị trường quốc tế là Sputnik V, đặt theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 được phóng lên vũ trụ năm 1957 dưới thời Liên Xô.

Phê duyệt trước giai đoạn 3

Hãng tin AFP ngày 11-8 dẫn lời ông Dmitriyev cho biết dự án vắcxin sẽ bước vào giai đoạn 3 từ ngày 12-8 và quá trình sản xuất công nghiệp dự kiến khởi động từ tháng 9-2020. Các thử nghiệm lâm sàng tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Philippines cũng sẽ sớm bắt đầu. 

Giai đoạn 3 là giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn người để theo dõi hiệu quả của vắcxin. Đây thường là giai đoạn quan trọng để xem xét phê duyệt một loại vắcxin.

Ngay sau tuyên bố của Nga, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đang thảo luận với cơ quan y tế Nga về quá trình thẩm định loại vắcxin này. 

"Chúng tôi đang tiếp xúc chặt chẽ với các cơ quan y tế Nga và thảo luận để WHO thẩm định vắcxin. Việc thẩm định bất kỳ loại vắcxin nào cần bao gồm xem xét nghiêm ngặt và đánh giá tất cả các dữ liệu an toàn và tính hiệu quả cần thiết", người phát ngôn Tarik Jasarevic của WHO cho biết.

Theo danh sách thống kê của WHO, tính đến 31-7, có khoảng 165 loại vắcxin đang được phát triển trên thế giới. Trong số này, 139 loại vẫn đang được đánh giá tiền lâm sàng, trong khi 26 loại đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn. Chỉ có 6 loại đang ở giai đoạn 3. Sản phẩm của Gamaleya trong ở giai đoạn thử nghiệm thứ nhất.

Dù Nga chưa công bố dữ liệu khoa học về quá trình thử nghiệm, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn đứng ra đảm bảo cho vắcxin Sputnik V. 

"Tôi biết vắcxin hoạt động khá hiệu quả, tạo ra được miễn dịch mạnh, và xin lặp lại, nó đã vượt qua mọi khâu kiểm định cần thiết", ông Putin khẳng định. Tổng thống Nga cho biết con gái ông đã được tiêm vắcxin mới và cảm thấy khỏe.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vắcxin của nước này hiệu quả - Ảnh: REUTERS

Lo ngại

Tuy nhiên, việc Nga phê duyệt vắcxin trước khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối khiến giới khoa học lo ngại về tính an toàn của nó. 

Theo Reuters, Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (ACTO) đặt tại Maxcơva trong tuần này đã kêu gọi Bộ Y tế Nga hoãn phê duyệt cho đến khi thử nghiệm giai đoạn 3 thành công. 

"Đây là giai đoạn thu thập các bằng chứng chính về tính hiệu quả của vắcxin, cũng như các phản ứng ngược có thể xuất hiện trên các nhóm bệnh nhân nhất định: người có hệ miễn dịch yếu, người có các bệnh đi kèm…", tổ chức này cảnh báo.

"Việc bán thứ mà (trung tâm) Gamaleya thử nghiệm trên 72 tình nguyện viên trong các giai đoạn 1-2 như là một sản phẩm hoàn thiện là không nghiêm túc chút nào", giám đốc ACTO Svetlana Zavidova nói.

Tính an toàn cũng là điều mà nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại, đặc biệt khi có rất ít thông tin về vắcxin mới của Nga. WHO khi hối thúc Matxcơva tuân thủ các giai đoạn phát triển vắcxin an toàn vào tuần trước cũng cho biết không được thông báo từ Nga về việc tung ra bất cứ loại vắcxin nào. 

Theo AFP, vắcxin mới của Nga sử dụng một loại virus khác được điều chỉnh để mang các gen mã hóa phản ứng miễn dịch mà tế bào cần để chống virus corona chủng mới. Đây là công nghệ tương tự các loại vắcxin đang được CanSino của Trung Quốc, hay AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phát triển.

Theo ông Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu của tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), vắcxin không được thử nghiệm đầy đủ có thể gây nhiều tai hại, từ ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe cho đến tạo cảm giác an toàn giả, hay ngược lại làm mất niềm tin vào vắcxin. Việc cung cấp vắcxin không an toàn cho các nhân viên y tế trên tiền tuyến chống dịch sẽ còn gây hại khủng khiếp hơn. 

"Sẽ ra sao nếu vắcxin giết chết họ hoặc khiến họ bị bệnh?", chuyên gia Lawrence Gostin của Đại học Georgetown, Mỹ, cảnh báo.

"Sẽ có nhiều người trên thế giới không quan tâm đến đạo đức mà chỉ muốn vắcxin", ông Gostin lo ngại.

Một người tình nguyện thử nghiệm vắcxin của Trung Quốc tại Brazil ngày 8-8 - Ảnh: REUTERS

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song