Chàng trai một tay vượt lên số phận làm vlog truyền cảm hứng

Ngày đăng: 28/07/2020 - 1191 lượt đọc

Từ một chàng công chức trẻ với tương lai tươi sáng, Trần Ngọc Hoàng (Lào Cai) bỗng trở thành người khuyết tật và mất tất cả cùng với cánh tay phải của mình.

Trần Ngọc Hoàng (Lào Cai) chỉ còn một tay sau tai nạn điện giật. Ảnh: NVCC

Sinh năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Xây dựng Hà Nội năm 22 tuổi, Hoàng về quê làm đúng chuyên ngành được khoảng 1 năm thì thi vào UBND phường Nam Cường (TP Lào Cai). May mắn trúng tuyển, Hoàng được phân công phụ trách Mặt trận và Quản lý trật tự đô thị của phường trong suốt 4 năm.

Một ngày tháng 7/2019, Hoàng bị điện giật khi đang sinh hoạt ở nhà. Tai nạn bất ngờ khiến cuộc đời chàng trai rẽ sang một trang mới hoàn toàn khác. 

Khi mở mắt, cậu đã thấy mình đang nằm trên giường bệnh của Viện Bỏng Quốc gia. Tưởng đã tai qua nạn khỏi, nhưng vài ngày sau, cánh tay phải của cậu có dấu hiệu hoại tử. Các bác sĩ yêu cầu gia đình ký cam kết để mổ gấp, cắt cánh tay.

Vì sợ cậu con trai quá “sốc”, gia đình quyết định không nói cho Hoàng mục đích của ca phẫu thuật. Cậu vào phòng mổ mà chỉ biết là mình cần phẫu thuật.

Tỉnh dậy, nhìn sang thấy cánh tay phải biến mất, Hoàng gào khóc thảm thiết trong phòng bệnh viện cả ngày hôm đó. 

Nằm viện được 1 tháng, cậu được cho về nhà. Chưa được bao lâu thì vết mổ lại có vấn đề. Hoàng trải qua ca phẫu thuật lần 2. Lần này, cánh tay Hoàng lại bị cắt ngắn thêm một chút nữa.

Tuy nhiên, đau đớn về thể xác không là gì so với nỗi đau tinh thần mà cậu phải trải qua.

Suốt 6 tháng sau đó, Hoàng nhốt mình trong phòng. “Mình không bước chân ra khỏi phòng đúng nghĩa đen. Bữa nào mẹ cũng phải mang cơm nước lên phòng” - Hoàng kể.

Nhớ lại thời điểm ấy, chàng trai 27 tuổi vẫn còn cảm thấy nghẹn ngào.

Hoàng bảo, những ngày tháng ấy, cậu không thể nghĩ được điều gì, không biết rồi mình sẽ sống tiếp thế nào, cuộc đời mình sẽ đi về đâu. “Trong đầu mình chỉ tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực, không có lấy một chút le lói ánh sáng”.

Thậm chí, nhiều lần cậu đã nghĩ đến chuyện tự tử.

Lúc ấy, Hoàng đã có một mối tình 9 năm với cô gái cùng quê. Lẽ ra, tháng 8 năm nay họ sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng vì hiểu rằng từ bây giờ mình không thể chăm sóc được cho người yêu như trước nữa nên Hoàng chủ động chia tay trong sự níu kéo của bạn gái. Hoàng nén nước mắt cắt đứt mọi liên lạc với người yêu. 

Từ một thanh niên khoẻ mạnh với tương lai rạng rỡ phía trước, Hoàng mất tất cả - công việc, tình yêu, nghị lực sống.

Nhưng rồi cùng với tình hình sức khoẻ ngày càng chuyển biến tốt, Hoàng bắt đầu tìm đến những hội nhóm dành cho người khuyết tật. Cậu nhận ra, có nhiều người còn bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn chọn cách sống lạc quan, tích cực. Hoàng dần thay đổi suy nghĩ, bắt đầu chấp nhận thực tế rằng mình đã mất một cánh tay.

“Động lực lớn nhất giúp mình vực dậy tinh thần là sự lo lắng của gia đình, nhất là mẹ. Mẹ ngày đêm lo cho mình đến mức sinh bệnh mất ngủ. Điều đó khiến mình phải suy nghĩ lại. Mình sống vui vẻ như bây giờ khiến mẹ vui lắm”.

Hoàng khi vẫn còn 2 tay. Ảnh: NVCC

Từ khi vực lại tinh thần, Hoàng lại tiếp tục xin đi làm. Hiện cậu đang làm về kỹ thuật và giám sát công trình cho một công ty xây dựng của người quen. Hoàng chia sẻ, mức thu nhập hiện tại khá ổn để cậu trang trải sinh hoạt cá nhân.

Trở lại cuộc sống bình thường, Hoàng phải làm quen với việc thao tác chỉ bằng một cánh tay. Tệ hơn, đó lại là cánh tay trái. “Từ việc viết chữ, đánh máy, ăn cơm, vệ sinh cá nhân…, tất cả đều chỉ còn một tay, nhưng chỉ mất khoảng 2 tháng là mình bắt đầu thích nghi được”.

Khó nhất là việc đi xe máy bằng một tay. Hoàng phải sửa lại chiếc xe sao cho mọi thao tác đều ở bên phía tay ga trái.

Ngoài công việc ở công trường, Hoàng bắt đầu xây dựng một kênh YouTube cho riêng mình mang tên Hoàng Khuyết. Nội dung chính mà cậu dự định thực hiện là về du lịch, văn hoá, ẩm thực. Đôi khi, cậu làm video ghi lại các chuyến ghé thăm những người cụt tay, cụt chân đang vươn lên trong cuộc sống giống như mình.

Hoàng muốn qua kênh vlog của mình, bằng cách nào đó có thể truyền cảm hứng cho cả những người khuyết tật và các bạn trẻ đang gặp khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống.

"Chỉ có điều, cho đến tận bây giờ, khi đi ra ngoài, mình vẫn còn tâm lý e ngại vì cái nhìn tò mò của mọi người xung quanh. Những khi đang quay video, thấy mình bị chú ý nhiều quá, mình lại ra một góc yên tĩnh ngồi, sau đó mới quay lại làm tiếp". Hoàng ước gì, người khuyết tật ở Việt Nam khi đi ra ngoài không phải đối diện với những ánh nhìn như thế. Hoàng muốn mọi người nhìn mình như một người bình thường. 

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Hoàng nói, cậu đang chuẩn bị cho một chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy, có thể khởi hành trong thời gian tới. “Mục đích của chuyến đi này là để bản thân mình học hỏi và mở mang tầm mắt. Đây cũng là cơ hội để mình thực hiện các video du lịch cho kênh cá nhân”.

Tai nạn khiến Hoàng mất đi mọi thứ nhưng cậu cho rằng, biến cố này đã giúp cậu trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. 

Nguồn: vietnamnet.vn

Sưu tầm: Ngọc Song