Sửa Luật Lao động để thúc đẩy mục tiêu BHXH toàn dân

Ngày đăng: 02/10/2019 - 877 lượt đọc

Bộ luật Lao động được coi là một trong những bộ luật “gốc” nên việc sửa đổi sẽ tác động đến hầu hết các luật chuyên ngành, trong đó có chính sách BHXH, và mục tiêu BHXH toàn dân. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) về những thay đổi trong Dự luật.

Nghiên cứu bổ sung chính sách trợ cấp gia đình, trong bối cảnh già hoá dân số. Ảnh: Như Ý.

Mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc
- Nghị quyết 28/NQ-TW đặt ra mục tiêu “mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, mục tiêu này theo ông Bộ Luật Lao động cần sửa đổi ra sao?

Ông Điều Bá Được: Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có vai trò đặc biệt quan trọng với BHXH, tác động đến mục tiêu của Nghị quyết 28 đặt ra. Theo đó, cần mở rộng diện BHXH bắt buộc tới toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương), thay vì chỉ quy định áp dụng đối với người lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên như hiện hành. Vì hiện hợp đồng lao động có thể bằng văn bản hoặc thoả thuận khác. Do đó, nếu quy định như hiện nay, vừa khó tăng diện bao phủ BHXH, vừa tạo lỗ hổng để các bên trốn tránh, không ký hợp đồng để không đóng BHXH.
Chúng tôi tính toán, nếu bắt buộc tham gia BHXH đối với toàn bộ người có quan hệ lao động, sẽ có thêm khoảng 10 triệu người tham gia BHXH trong diện này. Qua đó nâng tổng số lên trên 25 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.
Với khu vực phi chính thức, có số lao động lớn, vì vậy Dự luật cũng cần quy định để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho mọi người lao động. Chẳng hạn, có thể bổ sung người lao động trong khu vực phi chính thức, nếu có thu nhập nộp thuế thì thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Về vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ít nhất bằng 70% thu nhập thức tế của người lao động nhận được, và cao nhất không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
- Hiện nhiều quy định trong chính sách BH thất nghiệp đã không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được sửa đổi, bổ sung, ông có kiến nghị, đề xuất gì để khắc phục bất cập đó?

Ông Điều Bá Được: Luật Việc làm cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện hưởng BH thất nghiệp, công tác hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, chuyển đổi nghề, duy trì việc làm cho người lao động khi hết tuổi nghề mà chưa đến tuổi hưởng lương hưu. Ngoài ra, cần bổ sung quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH và BH thất nghiệp từ đủ 20 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH, BH thất nghiệp bị thất nghiệp (từ 50 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam trở lên) nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được quỹ BH thất nghiệp chi trả cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được.

Nghiên cứu trợ cấp gia đình
- Trợ cấp gia đình là một trong 9 chế độ trong Công ước 102 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tiêu chuẩn an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chế độ này lại chưa được thực hiện đầy đủ, vì vậy tới đây cần phải được quy định cụ thể trong Luật người cao tuổi, Luật trẻ em?
Ông Điều Bá Được: Ưu tiên chăm sóc, phát triển toàn diện đối với trẻ em sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Mặt khác, Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số rất nhanh, dự báo đến năm 2050 cứ 4 người dân có 1 người già chiếm 25% dân số. Trong đó người già đơn thân, người già là nữ chiếm tỷ lệ lớn, người già không khỏe mạnh yêu cầu chăm sóc đặt ra ngày càng nhiều. Việc chăm sóc người cao tuổi hiện tại và trong tương lai đang đặt ra, và cần thiết phải bổ sung chế độ ngay từ giờ. Bởi thiết chế gia đình truyền thống có sự thay đổi, việc chăm sóc của con cái đối với bố mẹ ngày càng ít thay vào đó việc cung ứng dịch vụ chăm sóc người già sẽ phát triển. Vì vậy, việc bổ sung chế độ trợ cấp gia đình vào hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đối với trẻ em và người già là yêu cầu cần thiết và cần được nghiên cứu bổ sung, tích hợp vào chế độ ốm đau, thai sản, BHYT.
Ngoài người già và trẻ em, Luật cũng cần nghiên cứu đề xuất thêm chế độ trợ cấp gia đình tập trung vào việc chăm sóc cả đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần phục hồi chức năng hoặc cần người phục vụ.
Trợ cấp gia đình sẽ được bổ sung và tích hợp vào chế độ BHYT, chế độ ốm đau, thai sản trong BHXH bắt buộc với đề xuất mức đóng như sau: Mức đóng góp trên nền đóng BHYT hiên nay 4,5% + 3% dành cho ốm đau, thai sản dự kiến đóng thêm từ 1 - 3% để chi cho chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già. Nội dung chi: Ngoài chế độ BHYT, trẻ em từ 0 - 15 tuổi khi ốm đau hoặc người già cần phải chăm sóc thì bố hoặc mẹ (đối với con ốm đau) hoặc con (đối với người già) phải nghỉ việc để chăm sóc thì sẽ được quỹ bảo hiểm sức khỏe thanh toán bù đắp khoản tiền lương khi người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm hoặc chăm sóc người già. Mức chi cụ thể sẽ được tính toán đề xuất phù hợp với nguyên tắc đóng, hưởng, nguyên tắc chia sẻ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải cần phục hồi chức năng hoặc cần người phục vụ.
Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành phải bám sát tinh thần NQ28-NQ/TW và Bộ Luật Lao động đang sửa đổi lần này, với nhiều nội dung mới và phức tạp, nên cần chủ động xây dựng kế hoạch khẩn trương triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Về tuổi nghỉ hưu, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được cho biết, đây là quy định về “độ tuổi hưởng lương hưu” không phải “tuổi nghỉ hưu”. BHXH Việt Nam thống nhất phương án tăng độ tuổi hưởng lương hưu đã nêu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Nguồn: thuvienphapluat.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song