Phía sau những vinh quang: Ngậm ngùi

Ngày đăng: 16/12/2019 - 673 lượt đọc

Ý nghĩa lớn nhất của thể thao, bên cạnh rèn luyện nâng cao thể trạng con người chính là vươn tới sự dân chủ, công bằng. Bởi vậy, thể thao luôn thu hút sự quan tâm và yêu thích của tất cả mọi người. Song với thể thao khuyết tật, dường như vẫn còn một chặng đường dài để đi đến sự công bằng.


Các vận động viên bơi lội người khuyết tật Việt Nam luôn lạc quan và thi đấu hết mình Ảnh từ facebook vận động viên Thanh Tùng

Ði xe lăn bán vé số nuôi giấc mơ vô địch Para games
Para games là Đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật, bao giờ cũng được tổ chức song song với SEA Games và diễn ra sau khi SEA Games kết thúc. Cũng tương tự, cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật cũng diễn ra ở cấp độ châu Á (ASIAN Para Games) và cấp độ thế giới (Paralympic). Một nền thể thao thực sự mạnh mẽ và nhân văn khi thành tích của thể thao dành cho người khuyết tật cũng được quan tâm và đầu tư.
Vận động viên đội bơi lội người khuyết tật Việt Nam, cô Mỹ Thánh hiện đang luyện tập tại Đà Nẵng, chuẩn bị cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Para Games 30 tại Philippine. Cô cho biết: “Mấy hôm nay, Đà Nẵng khá lạnh, nhiệt độ dưới nước khoảng 16 độ C, nhưng em và các bạn đều cố gắng hoàn thành tốt các bài tập của mình để hướng đến những mục tiêu vàng tại Para Games 30”.
Mỹ Thánh đã 2 lần dự Para games. Lần đầu cô giành được 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Lần thứ hai, cô giành được 1 huy chương bạc. Cô tâm sự: “Lần dự Para games thứ 3 này, theo thông tin em được biết thì đối thủ của em rất mạnh, nên em sẽ phải cố gắng rất nhiều để đổi màu huy chương, giành vàng”.
Mỹ Thánh là vận động viên đến từ Kiên Giang. Cô nói: “Những người khuyết tật như em chỉ được nhận 540.000 đồng/tháng tiền hỗ trợ cho người khuyết tật của tỉnh, ngoài ra không có tiền gì khác. Số tiền đó quá ít ỏi để có thể sống chứ chưa nói đến tập luyện”.
Mỹ Thánh chia sẻ: “Để có thể luyện tập thể thao, em từng đẩy xe bán vé số, nhưng rồi em cũng bị giật luôn vé số, nên em chuyển sang bán bông gòn (tăm bông). Giờ em đã lập gia đình, nhưng chồng em cũng không khá giả gì vì anh ấy cũng đi bán bông gòn”.
Năm 2019 này cô tập trung cùng đội tuyển hai lần, mỗi lần 2 tháng phục vụ cho kỳ đại hội thể dục thể thao toàn quốc và Para games. Như vậy 8 tháng còn lại cô không chỉ phải lo ăn uống mà còn phải tự lo việc tập luyện để giữ phong độ. Cô nói: “Có những thời điểm em không có tiền để trả cho hồ bơi. May mắn là họ hiểu hoàn cảnh, nên cho em bơi chịu, khi nào có tiền, em sẽ trả tiền vé cho hồ bơi một thể”.

Thi đấu vì muốn cống hiến cho đất nước
Vận động viên Thanh Tùng cho biết cụ thể về chế độ khi các vận động viên tập trung đội tuyển bơi người khuyết tật như sau: “Tiền trả công tập cho vận động viên khuyết tật là 270.000đồng/ngày, tiền ăn là 300.000 đồng/ngày. Tiền ăn nộp tất cả cho nhà bếp. Tiền công tập thì chỉ tính ngày thường, ngày nghỉ và lễ không được tính”.
Tùng cho biết trong lĩnh vực thể thao người khuyết tật, hầu hết vận động viên luôn phải vượt khó: “Những bạn có gia đình, có con cái, nhìn chung cuộc sống khó khăn hơn. Chuyện các bạn bán vé số mưu sinh khi không tập trung đội tuyển là chuyện không có gì lạ. Vì sau khi trả về địa phương lúc giải đấu kết thúc các bạn lại phải tìm những công việc không ổn định để mưu sinh, chờ đợt tập trung lên tuyển tiếp theo”.
Giải thưởng dành cho vận động viên khuyết tật rất khiêm tốn, chưa kể các giải đấu giành cho người khuyết tật lại rất ít.
Vận động viên cử tạ Châu Hoàng Tuyết Loan cho biết: “Trong năm 2019 này, cử tạ người khuyết tật rất ít cuộc thi. Em chỉ mới giành được 1 huy chương vàng giải trong nước năm nay, với số tiền thưởng là 8 triệu đồng”. 
Nếu bơi lội, một vận động viên có thể tham gia nhiều nội dung bơi thì mỗi vận động viên cử tạ thường chỉ tham gia một nội dung, điều đó đồng nghĩa họ chỉ có tối đa một huy chương vàng cho một giải đấu. Tại Para games 30 sắp tới Tuyết Loan chỉ tham gia nội dung cử tạ hạng cân 55kg. Loan nói: “Các bạn vận động viên nghiệp dư còn có thời gian tổ chức việc buôn bán, làm thêm, còn chúng em tập ở đội tuyển, cường độ cao, áp lực và mục tiêu lớn, nhiều người còn bị đau, chấn thương, nên chẳng có thời gian và điều kiện làm gì thêm”.

Vĩ thanh: Mong mỏi sự công bằng
Quy định khen thưởng giữa vận động viên dự SEA Games và vận động viên khuyết tật dự Para games hoàn toàn khác nhau. Trong đó, các vận động viên khuyết tật nhận số tiền thưởng ít hơn rất nhiều. Đây chính là nỗi niềm mà nhiều vận động viên khuyết tật băn khoăn, giữ trong lòng, không biết bày tỏ cùng ai!
Quy định khen thưởng cho vận động viên đội tuyển quốc gia giành huy chương tại SEA Games: Huy chương vàng được 40 triệu đồng, huy chương bạc 20 triệu đồng, huy chương đồng là 15 triệu đồng, phá kỷ lục được thưởng thêm 15 triệu đồng. Trong khi đó, khen thưởng cho vận động viên khuyết tật giành huy chương vàng Para games chỉ là 20 triệu đồng, huy chương bạc là 12 triệu đồng và huy chương đồng là 8 triệu đồng, phá kỷ lục thưởng thêm 8 triệu đồng.
 Sự chênh lệch về khen thưởng còn cao hơn đối với thành tích cấp châu lục. Vận động viên bình thường sẽ nhận mức thưởng huy chương vàng, bạc, đồng giải Vô địch châu Á tương đương với các mức thưởng 70 triệu đồng, 40 triệu đồng, 30 triệu đồng (phá kỷ lục thưởng thêm 40 triệu đồng). Trong khi đó vận động viên khuyết tật sẽ được nhận thưởng cho huy chương vàng, bạc, đồng ở giải Vô địch châu Á giành cho người khuyết tật chỉ là  35 triệu, 20 triệu, 15 triệu (phá kỷ lục thưởng thêm 15 triệu).
Với đấu trường Olympic, mức thưởng cho huy chương vàng, bạc, đồng tương ứng là 350 triệu đồng, 220 triệu đồng, 140 triệu đồng (phá kỷ lục được thưởng thêm 140 triệu đồng). Trong khi đó mức thưởng cho các huy chương vàng, bạc, đồng tại Paralympic tương đương là 220 triệu đồng, 140 triệu đồng, 85 triệu đồng (phá kỷ lục được thưởng thêm 85 triệu đồng). Có nghĩa là tiền thưởng cho chiếc huy chương vàng của tuyển thủ người khuyết tật tại Paragames chỉ bằng mức thưởng huy chương bạc của một tuyển thủ tại giải Olympic.
Vận động viên tuyển bơi Thanh Tùng tâm sự: “Chúng em vẫn phấn đấu nỗ lực hết mình. Bản thân em đã đạt chuẩn để dự Paralympic 2020 tại Nhật Bản và sẽ cố gắng hết mình đem vinh quang về cho đất nước. Trước mắt, em sẽ dự các nội dung tại Para Games 30 ở Philippines các cự ly 50m và 100m với quyết tâm giành huy chương vàng. Tuy vậy, em và các bạn đều mong muốn nhận được sự đánh giá công bằng hơn đối với những nỗ lực của vận động viên khuyết tật”.

Vận động viên bơi lội người khuyết tật Thanh Tùng nói: “Chúng em không hiểu vì sao chế độ thưởng cho vận động viên khuyết tật lại thấp hơn vận động viên bình thường! Em tham gia đội tuyển bơi khuyết tật đã hơn 10 năm rồi. Mỗi lần gặp lãnh đạo, chúng em đều hỏi, đều đề xuất mong nhận được sự đánh giá công bằng, lãnh đạo đều hứa sẽ đề xuất giải quyết, nhưng mọi sự vẫn đâu vào đó”.  

Nguồn: tienphong.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song