Sản phẩm trợ giúp người khiếm thị

Ngày đăng: 16/08/2018 - 945 lượt đọc

Công trình “Xây dựng thiết bị nhận hiện thông minh cầm tay trợ giúp người khiếm thị” do sinh viên Vũ Thị Thảo (Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ) thực hiện là một trong 04 công trình của nữ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội được Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu năm 2018.

Sinh viên Vũ Thị Thảo (đứng thứ ba, bên phải ảnh) nhận khen thưởng tại Lễ khai giảng năm học 2017-2018

Ý tưởng từ hướng nghiên cứu thị giác máy

      Tuy là một nữ sinh nhưng đề tài “Xây dựng thiết bị nhận hiện thông minh cầm tay trợ giúp người khiếm thị” là đề tài nghiên cứu thứ hai Vũ Thị Thảo (K59ĐB) tham gia nghiên cứu. Công trình này được Vũ Thị Thảo cùng các sinh viên Phí Thu Hà và Hoàng Tiến Đức nghiên cứu từ tháng 01/2018 và đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Sau khi biết thông tin công trình của nhóm sẽ được hỗ trợ kinh phí, Vũ Thị Thảo chia sẻ kinh phí này là nguồn động lực to lớn về vật chất lẫn tinh thần để nhóm có động lực hoàn thành đề tài và tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học.

      Mọi người thường nghĩ con gái làm nghiên cứu khoa học sẽ rất khô khan và ít lợi thế, nhưng Vũ Thị Thảo đã tạo ra ấn tượng khác cho người đối diện. Thảo là một nữ sinh năng động và tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của đoàn thanh niên, bởi vì thần tượng trong lòng Thảo là bà Ada Lovelace– vừa là người phụ nữ xinh đẹp, lại vừa là lập trình viên đầu tiên trên thế giới. Đây cũng là lý do giúp Thảo có thêm động lực thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Tín hiệu hệ thống của trường bắt đầu từ năm thứ hai. Thảo cho biết, môn Tín hiệu hệ thống thu hút em về nội dung và phương pháp giảng dạy của cô Nguyễn Hồng Thịnh đã khơi gợi niềm say mê của em trong lĩnh vực này, nên em đăng kí nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.

      Sau thời gian theo hướng nghiên cứu về thị giác máy tại phòng thí nghiệm nên Thảo đã xuất hiện ý tưởng về một thiết bị giúp người khiếm thị, tạo điều kiện để họ có một cuộc sống bình thường. Sau khi trao đổi và được thầy/cô gợi ý về công nghệ. Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu bắt tay vào thực hiện hóa ý tưởng.

      Đề tài này của nhóm xuất phát từ thực tiễn ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ được thiết kế và sản xuất ở Việt Nam với mục đích “lấy lại” chức năng bị mất hoặc suy yếu cho người khuyết tật. Hướng nghiên cứu củanhóm về thị giác máy nên ý tưởng về một thiết bị giúp người khiếm thị, tạo điều kiện để họ có một cuộc sống bình thường xuất hiện. Sau khi trao đổi và được thầy/cô hướng dẫn là TS. Lê Vũ Hà và TS. Nguyễn Hồng Thịnh gợi ý về công nghệ sử dụng đối với thiết bị. Ngay khi được sự ủng hộ của thầy/cô nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng. Đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu khá bận rộn với khóa luận tốt nghiệp nhưng cả ba bạn đều không bỏ bê việc nghiên cứu đề tài. Cả nhóm bố trí nghiên cứu đề tài và học tập xen kẽ trong một ngày.

Trợ giúp người khiếm thị

      Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trợ giúp người khiếm thị tích hợp vô vàn tính năng như kính thông minh của tiến sĩ Stephen Hicks từ Đại học Oxford hay máy đọc sách chữ nổi. Đều là những sản phẩm tuyệt vời dành cho người khiếm thị. Nhưng kính thông minh chỉ dành cho những người vẫn còn thị lực, tận dụng tối đa khả năng còn sót lại của mắt và các sản phẩm công nghệ này đa số đều có mức giá vô cùng đắt đỏ như kính thông minh AI Glass $1000 -$1500. Vì vậy, nhóm nghiên cứu mong muốn tạo ra thiết bị nhận dạng đồ vật, đường đi… hỗ trợ người khiếm thị, khắc phục các vấn đề khó khăn đi lại, cầm nắm, tìm kiếm đồ vật của họ. Các vật thể được nhận dạng và xác định vị trí sau đó chuyển thành giọng nói thông báo cho người dùng. Đặc biệt là những sản phẩm công nghê này có thể đến được với những người khiếm thị ở Việt Nam.

      Vũ Thị Thảo cho biết, ban đầu nhóm nghiên cứu rất hào hứng và phấn khích khi có thể tự tay tạo ra sản phẩm giúp ích cho người khiếm thị. Nhưng trong ba tháng nghiên cứu nhóm cũng vấp phải những khó khăn và chán nản, đặc biệt là quá trình cài đặt môi trường, và không biết bao nhiêu lần cả nhóm phải làm lại phần cứng hoặc gặp trục trặc với các vấn đề về thuật toán. Tuy nhiên, nhóm cảm thấy rất may mắn khi có được sự cố vấn nhiệt tình của các thầy/cô hướng dẫn tại phòng thí nghiệm Tín hiệu hệ thống. Sau chặng đường xây dựng lý thuyết và thực hành, nhóm nghiên cứu vẫn không đạt được kết quả như mong muốn, em cảm thấy bản thân có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Nhưng  em luôn nghĩ tới lý do mình bắt đầu để cố gắng hơn nữa.

      Nói đến cách sử dụng của sản phẩm, Thảo cho biết, nhóm sẽ cố gắng giảm thiểu tính phức tạp và kích cỡ của sản phẩm. Người dùng sẽ trực tiếp đeo thiết bị này trên người. Camera sẽ thu nhận hình ảnh đưa về bộ xử lý để xác định đối tượng, vị trí của nó sau đó chuyển thành giọng nói truyền đến người dùng qua tai nghe. Thời điểm này, nhóm đã nhận dạng được 20 đối tượng như: người, ô tô, ghế,… qua camera sau đó đọc lên vị trí của đối tượng đó. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tăng số đối tượng mà thiết bị nhận dạng được và tích hợp thêm các tính năng hữu ích khác như GPS để chỉ đường…

                                                                                                                                         Theo Tuyết Nga (số 325, Bản tin ĐHQGHN)

                                                                                                                                                                      Phạm Mai (st)