Số phận đặc biệt của vận động viên không chân được mệnh danh là “triệu phú” huy chương

Ngày đăng: 14/09/2020 - 971 lượt đọc

Dù chưa một lần được tự bước trên đôi chân của mình, nhưng Trần Phúc Đạt (SN 1984) không bao giờ chịu khuất phục trước số phận. 46 tấm huy chương ở các giải thể thao người khuyết tật là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình 16 năm theo đuổi đam mê của anh.

Tinh thần thép của chàng trai không đầu hàng số phận

Một ngày mới của Trần Phúc Đạt bắt đầu khi chiếc xe của anh lăn bánh, vượt qua chặng đường hơn 30km từ Hưng Yên đến với Câu lạc bộ (CLB) Thể thao Khuyết tật Hà Nội. Bất kể nắng mưa, cứ đều đặn mỗi ngày, từ 6h sáng anh Đạt đã có mặt trên sân để tập luyện.

Chúng tôi gặp anh tại CLB nơi anh luyện tập đúng vào dịp anh đang gấp rút luyện tập để chuẩn bị cho Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra vào tháng 11 tới. Anh Đạt nở nụ cười thật tươi chào đón chúng tôi, một nụ cười thân thiện khiến người đối diện cảm thấy thật ấm áp và dễ chịu. Trần Phúc Đạt là con út trong gia đình nông dân 3 anh chị em tại miền quê nghèo thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Sinh ra lành lặn như bao người, nhưng, cơn sốt bại liệt thập tử nhất sinh năm 1 tuổi đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của anh. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì thương con, bố mẹ anh vẫn chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho con. Trải qua bao lần đại phẫu không thành, bố mẹ anh đành ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận sự thật đứa con trai bé bỏng của mình sẽ phải sống chung với chiếc xe lăn suốt đời.

Ngày đó, dù trường cách xa nhà, việc đi lại khó khăn nhưng anh vẫn kiên trì “bám chữ” suốt 12 năm học. Những năm tháng trên ghế nhà trường đối với Đạt là những tháng ngày tươi đẹp khi được thầy cô quý mến, bạn bè giúp đỡ tận tình.

“Dù cơ thể khiếm khuyết, chẳng giống người bình thường nhưng ít khi tôi tự ti hay mặc cảm. Dù đời chưa yêu tôi, nhưng tôi luôn yêu đời. Tôi luôn nghĩ mọi người sẽ cởi mở khi bản thân mình vui vẻ, hoà đồng”.

Từ khi còn đi học, anh đã có một niềm đam mê đặc biệt với thể thao. Thấy các bạn đồng trang lứa lập hội chơi đá bóng, anh cũng xin gia nhập. Mọi người đá bóng bằng chân, chỉ có duy nhất Đạt dùng tay đá bóng. Đầu tiên các bạn ái ngại vì anh không có chân nên chỉ cho giữ gôn, sau kỹ thuật khá nên anh được giữ vị trí tiền đạo. Hình ảnh cậu bé tật nguyền “bò” trên sân bóng, dùng tay di chuyển và đưa bóng vào gôn khiến mọi người vô cùng cảm phục.

Năm 2002, anh tốt nghiệp THPT và thi đỗ trường đại học Công nghiệp Hà Nội, song hoàn cảnh gia đình không cho phép nên anh đành gác lại giấc mơ đại học của mình. Năm 2004, khi biết đến CLB Thể thao Khuyết tật Hà Nội, sẵn niềm đam mê thể thao, anh Đạt liền đăng ký tham gia. Kể từ đó, anh bắt đầu những bước đi đầu tiên trên hành trình thực hiện hoá giấc mơ trở thành vận động viên thể thao của mình.

Dù chưa một lần được tự bước trên đôi chân của mình, nhưng Trần Phúc Đạt (SN 1984) không bao giờ chịu khuất phục trước số phận. 

Những tấm huy chương kết tinh từ nghị lực phi thường

Vượt qua những trở ngại về sức khoẻ, đến với CLB, anh ngày đêm tập luyện bộ môn điền kinh (đua xe lăn) dành cho người khuyết tật. Nỗ lực được đền đáp xứng đáng, chỉ sau 3 tháng Đạt đã được ghi danh trong đội tuyển thi đấu giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và xuất sắc giành được huy chương Bạc môn xe lăn cự ly 400m. “Trái ngọt” đầu tiên gặt hái được cũng là động lực giúp anh cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong hành trình khẳng định bản thân.

Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã được cử đi thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Đặc biệt, anh còn vinh dự được góp mặt trong các giải đấu lớn dành cho người khuyết tật như: Giải châu Á ở Malaysia năm 2006, Paragames 4 ở Thái Lan năm 2008, giải Marathon 2019 ở Hàn Quốc,... Đến nay, anh đã mang về 21 huy chương Vàng, 21 huy chương Bạc, 4 huy chương Đồng ở các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Bên cạnh đó, anh cũng là một trong số ít vận động viên đua xe lăn của thể thao Việt Nam vô địch tất cả các cự ly 100m, 200m, 400m, 800m, 1.500m và 5.000m.

Chia sẻ về trận đấu đáng nhớ nhất, anh hào hứng kể về Giải Marathon toàn quốc năm 2019 tổ chức tại Hàn Quốc. Anh kể đây là một trận thi đấu vô cùng khắc nghiệt, hội tụ các nhà vô địch của nhiều nước như Mỹ, Đức, Nhật, Canada,... “Đó là lần đầu tiên tôi chạy marathon dài 21km, tôi nhớ những đường đua là những con dốc dài và cao, chỉ cần trượt tay lao xuống là ngã. Trong cuộc đua đó, nhiều người đã bỏ cuộc giữa đường, nhưng tôi vẫn cố gắng, nỗ lực đến cùng. Khoác trên mình chiếc áo đỏ sao vàng, tôi lao vun vút trên đường đua, người dân Hàn Quốc nhìn tôi xúc động hô “Việt Nam fighting”. Đó là giây phút tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào về màu cờ sắc áo của Tổ quốc”, anh Đạt xúc động nói.

Nhìn những tấm huy chương, những chiếc cúp vô địch đã đạt được trong suốt 16 năm, anh chia sẻ: “Mỗi lần đem huy chương về cho nước nhà, trong lòng tôi lâng lâng hạnh phúc, tất cả được gói gọ trong hai chữ “tự hào”. Mong muốn vượt lên số phận, chinh phục tất cả giới hạn của bản thân và khát khao được cống hiến vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc chính là động lực giúp anh cố gắng, nỗ lực để theo đuổi giấc mơ đến cùng. Ngoài ra anh cũng muốn chứng minh một điều: “Dù khuyết tật chân, nhưng anh vẫn có thể chạy bằng đôi tay, bằng nghị lực của chính mình”.

Những tấm huy chương là thành quả xứng đáng sau nỗ lực không ngừng nghỉ sau nhiều năm theo đuổi giấc mơ, cũng chính là tài sản lớn nhất của anh và là niềm tự hào của cả gia đình.

Khát khao về một mái ấm gia đình

Khi được hỏi về chuyện gia đình, anh Đạt ngại ngùng chia sẻ: “Tôi vẫn “lẻ bóng” một mình vì chưa tìm được người thực sự phù hợp để chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Chỉ cần tìm được một người đồng cảm và chia sẻ, tôi sẽ cố gắng nắm bắt mọi cơ hội, không để tình yêu vụt mất. Tuy bố mẹ vẫn giục chuyện vợ con, nhưng duyên số không thể cưỡng cầu, tôi vẫn hy vọng và chờ đợi đến một ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười, tôi sẽ có một mái ấm nhỏ trọn vẹn yêu thương”.

Nguồn: hoanhap.vn

Sưu tầm: Ngọc Song