Hành trình “niềm tin” phía sau những số phận

Ngày đăng: 26/10/2020 - 896 lượt đọc

Những người khuyết tật sinh ra vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh và cần đến một nghị lực lớn trong cuộc sống. Nhưng, ít ai nhắc đến những “hiệp sĩ” đằng sau lưng họ, những người không kém phần dũng cảm và hy sinh…

Những người cha, người mẹ vĩ đại

Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, nữ nhà văn khuyết tật Nguyễn Trà My có nhắc nhiều đến hình ảnh của người cha. Thấp thoáng trong ấy là hình ảnh người cha đứng chờ con trước phòng phẫu thuật ngày con mổ, rồi người cha nhất quyết không tin con mình đã chết, đứng chờ suốt một ngày trời trong bệnh viện để được nhìn thấy con.

Cũng chính người cha ấy đạp cửa xông vào ngay khi tiếng khóc con gái nhỏ vang lên trong nhà xác. Trở về, đứa con gái nhỏ chết một phần não, quặt quẹo, không thể cử động, ông là người xoa bóp cho con mỗi ngày, tập vật lý trị liệu cho con, đóng cho con chiếc xe đẩy 4 chân đầu tiên, và hình ảnh chiếc xe đẩy ấy gắn cả đời với nữ nhà văn “thiên thần 6 chân”.

Để làm cha, làm mẹ của một đứa trẻ bình thường đã là chuyện khó khăn biết nhường nào. Chăm con, nuôi dạy con, cho con ăn học, biết bao là vất vả, công sức, tiền của. Thế nên, với những bậc cha mẹ không may có con khuyết tật, sự vất vả, khổ nhọc làm sao mà kể xiết! Có một người cha như thế, có tiếng trong showbiz Việt.

Anh là nam nghệ sĩ Quốc Tuấn, người nổi tiếng với những vai diễn chất lượng, sâu sắc trong các bộ phim truyền hình danh tiếng một thời. Mấy năm gần đây, công chúng biết đến anh như người cha của bé Bôm, cậu bé mang trên người chứng bệnh quái ác. Hành trình 15 năm cùng con chữa bệnh của Quốc Tuấn đã trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu người.

Diễn viên Quốc Tuấn - người bố tuyệt vời của bé Bôm. 

Con trai Quốc Tuấn, bé Bôm mắc phải căn bệnh Apert - bệnh xương cứng sớm cục bộ, hẹp đường thở từ lúc chào đời. Đó là lý do mà rất nhiều năm, công chúng không gặp lại anh trên sóng truyền hình. Anh đưa con chạy chữa khắp nơi. Từ lúc các bác sĩ còn bỡ ngỡ với căn bệnh lạ của bé Bôm, từ tiên lượng ban đầu là không thể chữa khỏi, cho đến hành trình 15 tự tìm hiểu thông tin về căn bệnh của con.

Hơn chục ca mổ, biết bao đau đớn của cả con và cha. Bán nhà cửa, mất tài sản, bỏ đam mê nghệ thuật chỉ vì con. Biết bao thất vọng, đau khổ, tuyệt vọng, đứng lên. Và kết quả mà anh nhận được là niềm vui khi đến nay, con trai anh đã có sinh hoạt tương đối bình thường, trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đó là trái ngọt mà anh nhận được, ngọt ngào hơn hết thảy điều gì khác trên đời.

Nhiều người biết câu chuyện về chị Thu Thủy, người mẹ Việt đã làm thay đổi số phận của cậu con trai bị down. 25 năm trước, Huy Hoàng, con trai chị Thủy được sinh ra và mang trong người hai triệu chứng bệnh: Down và tim bẩm sinh. Chạy vạy nhiều bác sĩ, chị đã nhận được rất nhiều cái lắc đầu từ chối: “Có chữa được tim thì đứa bé bị down cũng chỉ làm khổ chị cả đời”. Nhiều người khuyên chị bỏ cuộc đi, cứ để đến đâu hay đến đó, vì đời còn dài, còn có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh khác. 

Nhưng người mẹ ấy không từ bỏ. Chị đi từ Nam chí Bắc, sang tận Singapore tìm đường chạy chữa cho con. Bán nhà, vay mượn, tất cả để dồn cho những ca mổ mà rủi ro cao, có thể là mất trắng. Rồi những ngày, đêm trắng tìm đọc mọi tài liệu nước ngoài về bệnh trạng của con, dù vốn tiếng Anh ít ỏi.

Chồng qua đời, để lại gánh nặng đặt lên vai chị. Chị chỉ biết nỗ lực hết mình, làm việc thật giỏi và dạy con thật tốt, dù dạy một đứa trẻ down không dễ dàng gì. Được cử sang làm việc ở Mỹ, chị tìm mọi cách xin con vào học ở trường công. Mọi quyết định công việc của đời mình, chị cũng hướng đến làm thế nào tốt nhất cho con.

Giờ đây, cậu bé bị down và tim bẩm sinh “bác sĩ trả về” năm nào đã chuẩn bị tốt nghiệp một trường đại học danh giá của Mỹ với những thành tích đáng nể trong quá trình học tập: Hai huy chương vàng trong các lần tham dự thế vận hội bơi lội cho người khiếm khuyết. Hai lần được cử tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo toàn nước Mỹ... 

Đó là những câu chuyện đầy ấm áp, với kết thúc đẹp cho người khuyết tật và gia đình họ. Nhưng ngoài kia, còn biết bao cảnh khổ, khó khăn. Người mẹ già phải gồng mình nuôi đàn con tâm thần. Người con gái trẻ một mình nuôi gia đình khuyết tật…

Những câu chuyện nhói lòng về các số phận bi thảm, dường như không có tương lai, không có ngày mai. Cái neo họ lại bên nhau chỉ có duy nhất tình thân, và niềm tin leo lét rằng một ngày nào đó, số phận sẽ thôi quay lưng lại với họ. Sự dũng cảm và sức chịu đựng của những con người ấy thật không thể nào đo đếm được.

Và những đàn con… không bình thường

Cha mẹ chăm con khuyết tật cần tình thương và nghị lực lớn lao, thì những người cha, người mẹ không máu mủ ruột rà còn cần bao nhiêu yêu thương và dũng cảm để chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật?

Trong các trung tâm khuyết tật, trung tâm hòa nhập có không ít người cha, người mẹ như thế. Chọn nuôi nấng, dạy dỗ trẻ khuyết tật, họ đã chọn con đường khó hơn nhiều lần so với một người nuôi dạy trẻ thông thường. Công việc ấy không chỉ cần ở họ nghiệp vụ đặc biệt, mà còn cả lòng bao dung, nhẫn nại, sự nhân ái và tình yêu thương rất lớn.

Ở Đà Nẵng có cô giáo tên Hồ Thị Mỹ Dũng SN 1986, được mệnh danh là “người mẹ của trẻ khuyết tật” ở Trung tâm Hòa nhập. Bằng tình yêu đối với trẻ khuyết tật, chị Dung đã dành thời gian để nghiên cứu những cách dạy tốt nhất để các em tiến bộ.

Mỗi học sinh khuyết tật chị dành một phương pháp giảng dạy khác nhau. Học sinh khiếm thính thì dùng phương pháp trực quan, bằng các cử chỉ, ký hiệu, ngón tay, tạo sự giao tiếp cho các em. Với trẻ tự kỷ thường có những hành vi bất thường, thì chị tìm các giải pháp nhằm giảm thiểu hành vi, điều hòa cảm giác, tạo cảm giác cho các em.

Đối với các em “chậm phát triển”, cô giáo dạy những từ ngắn gọn, đơn giản nhất để cho các em hiểu và lặp đi lặp lại nhiều lần. Không chỉ thế, chị còn hướng dẫn cho cha mẹ, người thân các em cách để giao tiếp với các em, rồi thường xuyên chuyện trò, gần gũi, thấu hiểu để các em mở lòng với mình. Nhờ cô giáo trẻ ấy, có em học sinh còn tìm lại được mái ấm ngỡ như đánh mất.

Suốt những năm tháng dạy học, Mỹ Dung đã gặt hái được không ít thành tựu, bằng khen, đã có 4 sáng kiến kinh nghiệm giúp trẻ khuyết tật học và giao tiếp tốt, được ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng đánh giá cao. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chị đó là sự tiến bộ rõ rệt của các em qua từng ngày, và lòng yêu thương, quý mến mà các em dành cho chị.

Về Củ Chi, hỏi đến mái ấm Thiện Duyên, hay mái ấm “Má Mười” rất nhiều người biết. Má Mười, tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, là người phụ nữ từng theo cách mạng từ thuở nhỏ, từng là chủ tịch một phường của quận Tân Bình. Một cơ duyên khiến “má Mười” nhận nuôi 3 đứa con khuyết tật của đồng đội bỏ lại cho mình. Ban đầu cứ ngỡ nuôi dùm, có ngờ đâu là nuôi luôn.

“Má Mười” bên cạnh đàn con chị nhận nuôi

Một số người khác thấy chị có lòng, sinh con khuyết tật không biết phải làm sao nên đem trước nhà bỏ. Suy nghĩ kĩ càng, chị Giang quyết định bán căn nhà ở quận Tân Bình, về Củ Chi mua đất, mở mái ấm nhận nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật. Mái ấm ra đời từ phát tâm thiện nguyện, nên được tổ chức sao đem lại điều tốt nhất cho việc chăm sóc các em. Các em được chia thành khuyết tật nặng, khuyết tật nhẹ, rồi người bình thường… 

Chăm sóc trẻ mồ côi, đặc biệt các em khuyết tật, bại não là không dễ dàng gì. Gần 200 trẻ như thế được “má Mười” chăm nom hàng ngày, chu đáo, hết lòng như mẹ chăm con. Các em được ăn ngon, ngủ ngon, ăn mặc sạch sẽ, được dạy dỗ chu đáo, được lo cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều em còn được đến trường, có em ra đời, hòa nhập cộng đồng, tự kiếm sống ổn định. Những ai đến thăm đều nghiêng mình ngưỡng mộ một người mẹ như thế.

Giữa những người con khuyết tật và cha mẹ, người thân, người nuôi dưỡng họ, ai dũng cảm và nghị lực hơn, thật khó mà biết được. Chỉ có thể thấy rằng, có lẽ, số phận của những người khuyết tật như thế, sinh ra không chỉ để nỗ lực, để được yêu thương và hạnh phúc, mà còn để viết lên cho cuộc đời những câu chuyện đẹp. Về tình phụ tử, mẫu tử. Về sức mạnh của yêu thương, của niềm tin.

Nguồn: baophapluat.vn

Sưu tầm: Ngọc Song