Tham dự, có ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội; Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Trương Minh Linh Giang, Phó Trưởng phòng Văn nghệ quần chúng, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhạc Sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội và các thành viên Ban Giám khảo Hội diễn Tiếng hát từ trái tim, cùng cán bộ hội viên các tỉnh, thành hội và các thí sinh tham dự 2 Hội thi.
Hình ảnh Lễ tổng kết, trao giải tại điểm cầu Văn phòng Trung ương Hội Người mù Việt Nam
Hội diễn nghệ thuật quần chúng Tiếng hát từ trái tim được tổ chức năm năm một lần nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong toàn hội, chào đón những sự kiện chính trị, những ngày lễ lớn của đất nước và của hội. Hội diễn cũng là dịp để các đơn vị giao lưu chia sẻ, phát huy sáng tạo trong phong trào văn hóa văn nghệ, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, xóa đi mặc cảm tự ti, khơi dậy niềm lạc quan, ý chí vươn lên của những người khiếm thị. Cũng qua sân chơi bổ ích này, nhiều nhân tài, năng khiếu văn nghệ đã được phát hiện, bồi dưỡng, phát huy, phục vụ cho hoạt động hội và góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
Theo kế hoạch, từ tháng 03/2021, Trung ương Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch phát động Hội diễn nghệ thuật quần chúng Tiếng hát từ trái tim lần thứ VI tới các cấp hội trong cả nước. Từ tháng 04 đến tháng 07/2021, các quận, huyện hội lựa chọn các tiết mục xuất sắc tham gia tranh tài tại hội diễn cấp tỉnh, thành hội từ tháng 07 đến tháng 09/2021, vòng chung khảo được tổ chức vào tháng 10/2021 tại Hà Nội. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức đã quyết định thay đổi hình thức tổ chức vòng chung khảo từ trực tiếp sang trực tuyến. Các tỉnh, thành hội quay video các tiết mục và gửi về Trung ương hội để tham dự vòng chung khảo.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội và bà Trương Minh Linh Giang - Phó Trưởng phòng Văn nghệ quần chúng - Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch trao huy chương vàng cho đại diện các thí sinh đạt giải
78 tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu cuộc sống, tổ chức hội, tình đồng tật được các đơn vị xây dựng, dàn dựng công phu, ghi hình gửi đến hội diễn
Một số tiết mục đạt giải Huy chương vàng tại Hội diễn
Nhiều tiết mục mang đậm nét văn hóa truyền thống của các vùng miền, dân tộc như hát then, hát sẩm, hát chèo, hát văn, dân ca quan họ, ví dặm, vọng cổ, nhiều tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ độc đáo như kèn đá, đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, kèn saxophone, sáo trúc ...
Trên cơ sở kết quả làm việc của Ban Giám khảo và Ban Tổ chức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định trao tặng 25 Huy chương vàng, 30 huy chương bạc cho các tiết mục đặc sắc. Hội Người mù Việt Nam cũng trao 23 giải khuyến khích và 1 tiết mục được nhiều người yêu thích nhất. Bên cạnh đó, Hội đã trao tặng bằng khen cho 15 đơn vị đạt thành tích xuất sắc và 13 đơn vị đạt thành tích tốt trong Hội diễn.
Cũng tại Lễ tổng kết, trao giải, nhằm hướng tới kỉ niệm Ngày Chữ Braille thế giới 04/01 hàng năm và kỉ niệm 170 năm ngày mất của Louis Braille, người đã phát minh ra chữ Braille (06/01/1952 – 06/01/2022), Trung ương Hội đã tổng kết, trao thưởng các thí sinh đạt thành tích cao tại Hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết Hội thi
Phát biểu tổng kết tại buổi lễ, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh: Chữ Braille có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống của người khiếm thị, là phương tiện quan trọng giúp người khiếm thị tiếp cận với nguồn tri thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chữ Braille đã thắp sáng niềm ước mơ được đến trường và đồng hành với nhiều thế hệ người mù trong cả nước cũng như trên thế giới trên con đường học tập, làm việc, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Hội thi được chia thành 2 nội dung: đọc, viết nhanh chữ Braille Tiếng Việt với 2 nhóm tuổi (từ 15 – 35 tuổi và 36 tuổi trở lên) và đọc, viết nhanh chữ Braille Tiếng Anh. Cả hai nội dung này đều bao gồm 3 phần thi chính: đọc nhanh, viết nhanh chữ Braille; viết và cảm nhận theo chủ đề bằng chữ Braille
Mặc dù không tổ chức được vòng chung khảo do tình hình dịch bệnh, song, để động viên và thúc đẩy phong trào, Ban Tổ chức đã tiến hành tổng kết và trao thưởng cho 24 thí sinh đạt thành tích xuất sắc, 32 thí sinh đạt thành tích tốt là những thí sinh đã đạt giải nhất, giải nhì tại hội thi của các địa phương.
Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo và bà Đinh Việt Anh trao bằng khen cho đại diện thí sinh đạt thành tích xuất sắc trong hội thi Đọc viết nhanh chữ Braille.
Hội thi cũng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên các cấp hội về vị trí tầm quan trọng của chữ Braille đối với người mù, đồng thời thúc đẩy phong trào rèn luyện sử dụng chữ Braille trong học tập, công tác và đời sống cũng như thúc đẩy việc học Tiếng Anh và phong trào học tập của người mù nói chung.
Phạm Mai
Bình luận
Viết bình luận