Trái tim sáng của người thầy khiếm thị

Ngày đăng: 22/05/2019 - 879 lượt đọc

"Đôi mắt thầy giờ đây không rõ/Mái đầu xanh cũng bạc trắng rồi/Chỉ còn lại nụ cười rạng rỡ/Và tấm lòng dành cho chúng em thôi" - đó là một đoạn trong bài thơ "Thầy giáo em" của một học sinh khiếm thị viết tặng thầy giáo Phạm Đình Thắng ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.

Sinh năm 1938 tại Hà Nội, sau gần 30 năm công tác tại Lạng Sơn, do thị lực kém dần, từ năm 1986, thầy Thắng về dạy học ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cho tới nay. Suốt mấy mươi năm qua, tình cảm thầy - trò nơi đây thật sâu đậm, gắn với biết bao kỷ niệm vui buồn. Sống một mình và ở luôn trong trường, dẫu hỏng đôi mắt, tuổi đã cao nhưng thầy Thắng vẫn tham gia tích cực, hiệu quả vào hầu hết công việc của trường. Thầy không còn làm công tác quản lý, nhưng với bề dày kinh nghiệm công tác, mỗi lần có công việc quan trọng của trường thì không thể không có ý kiến tham gia đóng góp của thầy.
Có người hỏi: Vì sao thầy tình nguyện về dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu? Thầy nói: "Những năm cuối đời, tôi mong truyền thụ kiến thức cho các em cùng cảnh ngộ với mình, về dạy ở đây chính là cơ hội tốt của tôi". Tình cảm mà thầy Thắng dành cho học sinh thật cảm động và chân thành. Thầy Nguyễn Như Thạch, nguyên Hiệu trưởng nhà trường kể lại: "Lần đó, có trường hợp bậc cha mẹ ở tỉnh Bắc Ninh, đang tâm bỏ mặc con nhỏ - đã mù cả hai mắt vẫn phải tự mò tìm đến trường. Vì quá tủi thân, mặc cảm với gia đình nghèo nên cháu đã bỏ học trốn đi đâu không biết. Chính thầy Thắng - mặc dù khiếm thị nhưng vẫn cất công đi tìm cháu. Thầy lặn lội về tận quê, lại đi đến từng con phố Hà Nội - những nơi thường có trẻ em lang thang qua lại. Phải mất hàng tuần mới tìm được cháu, đưa về trường". Hầu hết gia đình học sinh ở trường đều nghèo. Đến nỗi, tiền may sắm quần áo dù là tối thiểu, bố mẹ cũng không có. Có em đến trường, bố mẹ phải mượn trọn gói - nghĩa là tiền đi đường phải vay, quần áo, giày dép, mũ phải mượn nhà hàng xóm, chỉ mặc tạm đến khi tới trường, rồi "nhờ thầy Thắng kiếm cho bộ khác", bộ cũ thì phải gửi về trả… Những lúc như thế, thầy Thắng thường bỏ tiền túi ra lo cho các em. Không chỉ vậy, có những đêm thầy thức trắng để cùng cán bộ của trường giải quyết những khó khăn, vướng mắc với các em. Rồi có đêm, một mình thầy Thắng khiếm thị cõng trò mù bị ốm, mò mẫm đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn - xa tới 2 cây số để khám bệnh. 
Tất cả vì học sinh thân yêu, thầy luôn gần gũi, động viên các em trong học tập, vui chơi, tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo các em cặn kẽ từng li, từng tí. Đặc biệt, thầy Thắng đã cùng với đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường dày công xóa nạn mù chữ cho các em. Việc này vô cùng vất vả, gian nan. Bởi hằng ngày vừa phải giảng dạy, lại vừa phải tìm tòi, sáng tạo, cải biên các mẫu ký tự, ký hiệu để sao cho vừa dùng cho chữ, lại vừa dùng cho số, cũng như tạo ra các loại công cụ dạy và học dễ dàng với học sinh khiếm thị… Tất cả đều có đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của thầy Thắng đóng góp. 
Người thầy đáng kính đã ngoài 70 tuổi, đôi mắt thầy chẳng còn nhìn được nữa. Thầy chỉ còn trái tim, khối óc và tấm lòng nhân ái luôn rộng mở, cảm thông, chở che, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

Nguồn: hanoimoi.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song