Hội thảo Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề - tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật

Ngày đăng: 12/04/2018 - 813 lượt đọc

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảoSáng ngày 12/4/2018, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Việt Nam cùng Quỹ Nippon Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề - tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật (NKT)". Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Lê Tấn Dũng- Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lý- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam , ông Yasunobu Ishii- Giám đốc Quỹ Nippon Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam. Tới dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành, liên quan, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp có tham gia hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật, các tổ chức quốc tế,...

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng với những thành tựu kết quả đạt được và những khó khăn còn tồn tại trong thực hiện các chính sách tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của NKT. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh Hội thảo là sự kết nối đầy cảm xúc, những tấm gương nghị lực sống trong cuộc sống cùng sự yêu thương, quan tâm của toàn xã hội dành cho NKT. Mỗi tham luận được chia sẻ tại Hội thảo là những tấm gương bền bỉ, nghị lực phi thường, vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống, nhiều người khuyết tật luôn cố gắng vươn lên dù ở lĩnh vực nào để đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp nhất. Những tấm gương là động lực giúp cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống, can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan và hòa nhập với cộng đồng. Thứ trưởng hy vọng những đại biểu sẽ luôn giữ vững ngọn lửa ý chí và phát huy vai trò và ý kiến của mình trong cộng đồng và những người đồng cảnh ngộ.

Nhiều năm qua sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đẩy mạnh xã hội hóa khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT đã huy động sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và của cả cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong tạo việc làm cho NKT từng bước xóa bỏ rào cản và cải thiện đời sống của NKT, đảm bảo quyền của NKT.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn dành cho NKT. Thứ trưởng cũng hy vọng các cấp, các ngành sẽ tiếp tục sẻ chia trong công tác hỗ trợ NKT. Thứ trưởng tin rằng những nỗ lực từ các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội sẽ giúp xóa bỏ đi những rào cản và giúp NKT có được cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chia sẻ, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách Việt Nam đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày báo cáo tại Hội thảo

Theo Báo cáo tại Hội thảo, Việt nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Hậu quả chiến tranh,  bẩm sinh,  tai nạn giao thông,  lao động, thiên tai,  môi trường, vv.. phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn (chiếm 87,27%); có khoảng 65% NKT trong độ tuổi lao động và khoảng 40% NKT còn khả năng lao động, trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Họ chủ yếu làm các nghề nông – lâm – ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác. NKT có trình độ học vấn thấp, 41,01% số NKT từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, 19,5% người có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên, 93,4% người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16 tuổi trở lên, chỉ có 6,5% người có bằng cấp từ chứng chỉ trở lên.

Một số khuyến nghị đã được nêu trong Hội thảo để NKT, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng người lao động là người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị - xã hội. Khuyến nghị về việc Chính phủ tiếp tục xem xét hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của nhà nước; đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để cho vay đối với người khuyết tật trên địa bàn...

“Hội thảo chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của NKT” diễn ra từ ngày 12 – 13/4/2018 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội.

Tại đây có các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của người khuyết tật. Sự kiện cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các thông tin giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,... phục vụ người khuyết tật.

Một số hình ảnh gian hàng tại triển lãm:

                                                                                                                                                   Theo Bộ Lao động -Thương binh xã hội

                                                                                                                                                                          Phạm Mai (st)