Chuyện ở tiệm giặt lặng thinh…

Ngày đăng: 07/05/2021 - 1093 lượt đọc

Sáng sớm, tiệm giặt là ở số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mở cửa. Một người đàn ông vội vã xách túi quần áo đặt lên chiếc bàn trước cửa tiệm, nói nhanh mấy câu rồi quay bước định đi ngay. Chẳng ngờ, một cô gái xinh xắn níu anh lại, nở nụ cười và chỉ vào dòng chữ dán cố định trên bàn, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: “Xin chào! Em/cháu là người điếc. Vui lòng cho em/cháu xin họ tên và số điện thoại của quý khách ạ”.

Người đàn ông sững lại giây lát nhìn ba cô gái. Hóa ra các cô đều không thể nghe được những gì anh nói. Rồi họ đưa cho anh chiếc bảng con viết yêu cầu. Lạ lẫm và xúc động, anh đặt bút viết nắn nót từng chữ. Tưởng rằng người khách này sẽ thấy phiền toái và mất thời gian. Nhưng không, lần sau, rồi nhiều lần sau nữa, anh vẫn đến đây giặt đồ…

Người điếc làm được không?

Không phải mình anh khách kia đâu, mà rất nhiều người đến đây ban đầu đều ngạc nhiên, lạ lẫm, hoài nghi về tiệm giặt là có một không hai này. Có người qua đường buông lời hoài nghi, rằng người bình thường làm còn chả ăn ai nữa là người điếc. Bởi vậy, khi đeo đuổi dự án mở một tiệm giặt của người điếc, cô gái khiếm thính Lương Kiều Thúy, sinh năm 1991 đã vấp phải không ít khó khăn.

Ba cô gái ở tiệm giặt của người điếc.

30 tuổi, cô gái quê Nam Định tên Thúy đã trải qua những cú sốc khi vỡ lẽ ra những điều phũ phàng trong cuộc sống và tự học cách chấp nhận điều đó. Thúy sinh ra có đôi tai bình thường như bạn bè cùng trang lứa, kịp thu nhận tất cả những thanh âm của cuộc sống muôn màu. Nhưng, đến năm 10 tuổi, thính lực của Thúy giảm dần. 15 tuổi, không thể nghe rõ, Thúy phải đeo máy trợ thính. Đến lớp, mặc dù Thúy xin cô giáo ngồi bàn đầu, chăm chú nhìn khẩu hình của cô nhưng vẫn bập bõm tiếng được tiếng mất. 

Giây phút ấy, nước mắt Thúy trào ra bất lực. Từ một người lành lặn, nay cô phải chấp nhận sự thật mình là người khuyết tật. Khi thanh âm cuộc sống đã tắt lịm, Thúy vẫn kiên trì và gắng gượng để thu nhận kiến thức. Những cơn đói khát thông tin đã giục giã Thúy thi và đỗ Cao đẳng Truyền hình Hà Nội để sau này làm nhà báo, có điều kiện thường xuyên cập nhật thông tin. Hăng hái, quyết tâm là thế nhưng càng lao vào học nghề, càng đi thực tập tại những tòa soạn báo có tiếng, Thúy càng nhận ra mình không thể làm báo khi không có đôi tai thính nhạy. Ra trường, Thúy buông xa ước mơ...

Trời lấy đi của Thúy đôi tai nhưng lại cho Thúy sự nhanh nhẹn và tháo vát. Thúy không nghe bằng tai được nữa thì cô sẽ nghe bằng mắt. Cô quyết tâm đi học ngôn ngữ kí hiệu để có thể giao tiếp với những người cùng cảnh ngộ. Thúy nhận ra quanh mình có rất nhiều người điếc và người khiếm thính. Họ gặp khó khăn khi hòa nhập xã hội, khó có việc làm để nuôi sống bản thân và bị tụt lại phía sau.

Thúy lấy chồng, rồi sinh con, làm những công việc khác nhau để mưu sinh nhưng luôn ấp ủ dự án nghiên cứu về việc làm cho người điếc. Nhận thấy với người điếc, công việc giặt là ít nhiều phù hợp, Thúy kết hợp với hai người bạn mở tiệm giặt là của người khuyết tật. Khi tiệm giặt bắt đầu vận hành là lúc hàng loạt trở ngại bộc lộ. Người điếc không thể nói chuyện với khách hàng, không hiểu khách muốn gì, không thể gọi điện, không thể đi lại linh động bằng xe máy do không nghe thấy,  do đó việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Một thời gian sau, hai người bạn của Thúy lần lượt rút khỏi dự án kinh doanh. Còn mình Thúy, một lần nữa cô nhận ra từ ý tưởng đến thực hành là một khoảng cách xa. Tuy thế, cô vẫn tin rằng người điếc có thể làm được việc, điều quan trọng là phải lập ra được một mô hình kinh doanh khác biệt và phù hợp dành cho họ. 

Thúy lại vào lao vào thực tế để làm lại từ đầu. Cô xin vào làm ở hai tiệm giặt là, một tiệm bình dân, một tiệm cao cấp, vừa học nghề, vừa quan sát và ấp ủ kế hoạch của riêng mình. Ý tưởng “Giặt là Sáng” được hình thành như thế. Để ý tưởng có thể được thực thi, đầu năm 2020 Thúy tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Trải qua 8 tháng vất vả, vượt qua hàng trăm hồ sơ từ khắp cả nước, Thúy đã đạt giải "Cánh én vàng”. Không dừng ở đó, tháng 10-2020, Thúy tiếp tục tham gia chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Youth co:lab) do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức và đạt giải “Best performance”.

Thành công về mặt ý tưởng khởi nghiệp nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì nguồn vốn lại là vấn đề không nhỏ đối với một người khiếm thính với hai bàn tay trắng như Thúy. Thúy bảo rằng, cô là một người khuyết tật khởi nghiệp đầy may mắn vì đã có một doanh nghiệp đồng ý bỏ vốn đầu tư. Tháng 12-2020, tiệm giặt là của Thúy khai trương, nhiều người động viên nhưng cũng không ít người cho đó là hão huyền. Mặc, Thúy cứ lặng im làm điều mình ấp ủ.

Giặt là theo cách của người điếc

Ở tiệm giặt là này, luôn thấy bóng dáng của ba người phụ nữ. Lương Kiều Thúy là quản lý nhưng vẫn trực tiếp đi nhận đồ về giặt và chở đồ đi trả cho khách hàng để tiết kiệm mọi khoản chi phí. Cũng chỉ mình cô nhờ đeo máy trợ thính và nhìn trực tiếp khẩu hình người đối diện nên nghe được đôi chút và nói năng lưu loát. Còn hai nhân viên Phạm Thị Thúy và Lê Thu Ngân đều là người điếc bẩm sinh. Hằng ngày, người quản lý hướng dẫn, dạy nghề cho nhân viên rất tỉ mỉ, chậm rãi bằng ngôn ngữ kí hiệu.

Lương Kiều Thúy (bìa phải) tại Hội thảo về thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4).

Ở cửa tiệm này, có một quy trình riêng để giao tiếp với khách hàng. Thay vì nghe và nói, khách hàng quan sát, đọc và viết. Bảng viết, con dấu đặc biệt khắc sẵn mọi lời nhắn nhủ, những tấm biển chỉ dẫn chi tiết sẽ giúp ba cô gái thực hiện các thao tác nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ở tiệm giặt lặng thinh này luôn có một không khí sôi nổi trong lặng lẽ khi họ nói chuyện, trêu đùa nhau bằng ánh mắt, bằng vẻ mặt, bằng nụ cười và bằng kí hiệu từ đôi tay.

Những người chưa đặt chân vào cửa hàng thường nghi ngại nhưng ai đã giặt đồ ở đây, đều tin tưởng quay lại. Dù không nghe thấy nhưng các cô gái lại có đôi mắt sáng, đôi chân lành lặn và đôi tay khéo léo. Dù làm chậm nhưng họ chịu khó quan sát và tỉ mỉ, tập trung cho công việc. Họ hoàn toàn có thể trở thành thợ giặt lành nghề chẳng thua kém người bình thường. Họ đã và đang tạo được niềm tin nơi khách hàng. Nhiều khách hàng đến không đơn thuần để giặt đồ mà còn muốn trải nghiệm không gian làm việc của người điếc, có cơ hội tìm hiểu về ngôn ngữ kí hiệu. Những điệu bộ, cử chỉ, cái vẫy tay của khách thay cho lời nhắn nhủ, lời cảm ơn dành cho ba cô gái.

Ở tiệm giặt này, mỗi người đang dần đổi thay theo một cách riêng. Lương Kiều Thúy chững chạc hơn trong vai trò quản lý. Cô ấp ủ ước mơ mở được nhiều tiệm giặt để nhiều người điếc có việc làm, có cơ hội hòa nhập, rồi họ có thể dạy nghề cho nhiều người điếc khác. Không chỉ quản lý tiệm giặt, Thúy còn tham gia tư vấn việc làm và hướng nghiệp cho người khuyết tật do Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức. Thúy tham gia nhiều hội thảo, diễn đàn tìm hướng đi cho người khuyết tật. Vừa mới đây thôi, Thúy được chọn tham gia Hội thảo về thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4).

Còn cô gái Phạm Thị Thúy ngày càng yêu thích và chủ động trong công việc giặt là. Cô tìm thấy niềm vui và động lực làm việc để xây dựng tổ ấm nhỏ của mình. Thúy nâng niu, trân trọng từng món đồ khách hàng gửi gắm, dồn hết tâm huyết để từng chiếc khăn, tấm áo, đôi giày sau một cuộc phiêu lưu tại tiệm giặt là đã trở nên sạch sẽ, thơm tho khi về với chủ.

Cô bé út Lê Thu Ngân giờ đây vui lắm. 18 tuổi, lần đầu tiên Ngân rời nhà để có một công việc của riêng mình. Ngân sinh ra đã không thể nghe được gì, chưa bao giờ biết âm thanh của cuộc sống này ra sao, lời nói của con người là thế nào. Đến tuổi đi học, Ngân vẫn học chung với các bạn bình thường nên chẳng hiểu được gì nhiều. Học hết cấp 2, Ngân ở nhà làm việc vặt, để hằng ngày bố đi trông xe ngoài bãi còn mẹ bán quán nước, cuộc sống lặng lẽ và cô đơn. Cho đến một ngày tình cờ Ngân biết đến tiệm giặt là của chị Thúy đang tuyển nhân viên nên quyết định đi thử việc. Một bước ngoặt thay đổi cuộc đời Ngân khi cô được tuyển vào làm. Ngày đầu đứng ở quầy, Ngân lúng túng không biết phải giao tiếp với khách như thế nào. Ngân được hai chị Thúy chỉ bảo từ công việc đến cách giao tiếp, được học ngôn ngữ kí hiệu đầy đủ, dần trở nên tự tin hơn.

Giữa đại dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ba cô gái khuyết tật hằng ngày lo toan, xoay xở để làm việc với mức lương khiêm tốn. Nhưng, họ vẫn say mê để gom góp những niềm vui nhỏ bé. Đó là lúc các cô kịp phát hiện ra chiếc điện thoại iPhone của khách để quên trong túi áo trước khi giặt đồ. Để rồi khi chị khách qua cửa hàng nhận lại điện thoại cứ cảm ơn rối rít. Đó là khi các cô mày mò và tìm ra cách giặt đôi giày ố vàng trở nên trắng sạch như mới. Đó là khi có thêm những mẩu giấy xinh xinh được khách hàng dính lên tủ đồ, ghi lại những ấn tượng, cảm nhận thú vị về tiệm giặt. Hoặc, cả khi có những người khách đã quá thân thiết, đến cửa hàng là tự động lấy đồ, gấp đồ của mình để đỡ làm phiền các cô gái chăm chỉ và đáng mến. 

Nguồn: antgct.cand.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song