Hai người trẻ phi thường

Ngày đăng: 27/04/2016 - 953 lượt đọc

Thứ tư, 27 Tháng 4 2016 07:54 Vượt qua sự kỳ thị, khó khăn, Lê Hương Giang và Nguyễn Thanh Lâm đã trở thành tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu sống đẹp vì cộng đồng.

Nguyễn Thanh Lâm - Ảnh: Anh Tuấn

Câu chuyện về sự nỗ lực và ý chí phi thường của hai bạn trẻ chính là những bài học mà giảng đường không có.

Chế tạo máy đếm tiền

Sinh ra được vài tháng tuổi, bố mẹ Lê Hương Giang (hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) mới phát hiện cô bé bị khiếm thị. Đó là căn bệnh “thoái hóa hoàng điểm võng mạc” mà y học vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Với thị lực 1/10, tuổi thơ của Giang vẫn tràn trong màu sắc, hình ảnh qua cặp kính lúp, nhưng đến năm 11 tuổi, thị lực đột ngột giảm và từ đây mọi thứ xung quanh Giang chìm trong trong bóng tối.

Giang nhớ lại: “Những người bạn khiếm thị tại Trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội đã giúp tôi làm quen với bóng tối. Họ dạy tôi cách di chuyển, cách sống tự lập. Ngoài giờ học, họ dạy tôi hát, dạy tôi đàn, rồi vẽ tranh, làm gốm, trang bị kỹ năng sử dụng máy tính, xoa bóp bấm huyệt, làm đồ thủ công để ngay sau khi ra trường chắc chắn có nghề nghiệp”.

Nếu như không có cuộc gặp gỡ với nhóm sinh viên tình nguyện đến hoạt động tại trường thì có lẽ việc học của Giang sẽ dừng lại sau khi học hết THCS. Chính những sinh viên tình nguyện đã thổi bùng khao khát được tiếp tục đi học, được hòa nhập với các bạn sáng mắt. Thêm một bước ngoặt nữa đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Giang khi cô đăng ký vào Trường THPT Thăng Long. Tại đây, Giang không chỉ được thầy cô và bạn bè hỗ trợ trong việc học mà còn được động viên tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhờ sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, Giang đã thực hiện đề tài: “Chế tạo máy đếm tiền đồng thời phân biệt tiền thật tiền giả và phát ra lời nói dành cho người khiếm thị”.

Lê Hương Giang và Nguyễn Thanh Lâm là 2 trong số 212 người khuyết tật được Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ toàn quốc năm 2016 do Bộ LĐ-TB-XH và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tổ chức ngày 18.4.

Đề tài đã mang về cho Giang giải nhì ngành công nghệ máy tính Intel, giải 3 chung cuộc tại Hội thi Khoa học kỹ thuật Intel Isef toàn quốc năm 2012. “Khi thực hiện đề tài này, tôi nghĩ đến những người bạn khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và không có cơ hội được đi học. Tôi muốn gửi tặng họ món quà, hy vọng họ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong công việc bán hàng. Chiếc máy có cấu tạo hai phần là đếm tiền và phân biệt thật giả, có thể đếm tối thiểu 500 tờ tiền trong vòng 30 giây”.

Không dừng lại ở đó, Giang còn được chọn là 1 trong 4 đại diện thanh niên khuyết tật của VN tham dự cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tổ chức tại Incheon - Hàn Quốc. Tại cuộc thi này, Giang tiếp tục đoạt huy chương đồng. Với những thành tích đáng nể, Lê Hương Giang đã nhận được “tấm vé” vào thẳng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

Lê Hương Giang - Ảnh: Bích Ngọc

Không đầu hàng nghịch cảnh

Cũng giống như Lê Hương Giang, tuổi thơ của Nguyễn Thanh Lâm (34 tuổi) ngụ ở xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã không trọn vẹn. Năm Lâm 1 tuổi, gia đình chẳng may gặp hỏa hoạn. Tai nạn đã cướp mất của Lâm hai bàn tay và nửa bàn chân trái. Lâm kể: “5 tuổi, tôi bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt giữa mình và bạn bè cùng trang lứa. Tôi luôn thắc mắc tại sao các bạn có thể tự làm mọi việc, các bạn có thể viết chữ, đi học... còn mình thì không thể? Và rồi, ngày ngày nhìn các bạn chơi đùa, nhìn niềm vui của các bạn khi cắp sách đến trường, trong lòng tôi đã dâng lên niềm khát khao mãnh liệt với cái chữ”.

Và Lâm đã thử tập viết những nét chữ đầu tiên bằng cách dùng khuỷu tay kẹp cục than vẽ nguệch ngoạc trên sân thềm. Việc sử dụng cục than vẽ trên sàn nhà tưởng chừng rất đơn giản, nhưng với Lâm, đó là sự nỗ lực và cố gắng đầy mồ hôi và nước mắt. Thương con, ba mẹ Lâm đã dùng một chiếc ống nhựa chế tạo dụng cụ cho cậu tập viết. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, được gia đình quan tâm, thầy cô giúp đỡ, Lâm đã hoàn thành tốt chương trình phổ thông.

Mang trong mình một hoài bão lớn là được đi học ĐH, được làm việc để giúp ích cho gia đình và xã hội, sau một năm ôn luyện, năm 2001 Lâm đã thi đậu vào 3 trường: ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Đà Lạt và CĐ Kinh tế đối ngoại...

Sau khi tốt nghiệp ngành môi trường (Trường ĐH Đà Lạt), Lâm trở về quê với mong muốn tìm được công việc phù hợp, nhưng sự kỳ thị, định kiến đã khiến Lâm nhiều lần bị tổn thương. Lâm bộc bạch: “Dường như ông trời muốn thử thách tôi lần nữa, đi tới đâu xin việc người ta cũng nhìn tôi một cách ái ngại và lắc đầu. Tôi cảm thấy chán nản, nhưng nghĩ mình cố gắng tới chừng này rồi, lấy được bằng đại học rồi thì phải cố thêm tí nữa. Để chứng minh cho mọi người thấy “tàn nhưng không phế, tôi làm đủ việc để nuôi sống bản thân như: dạy kèm, bán vé số… vừa đi gõ cửa nhiều công ty, cơ quan, xí nghiệp để tìm việc”.

Năm 2007, Lâm được nhận vào công tác tại Văn phòng UBND xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình. 5 năm sau, anh chuyển sang làm cán bộ tư pháp xã với nhiệm vụ giải quyết đơn thư và tuyên truyền pháp luật. Lâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao. Các đồng nghiệp và bà con ai trong xã cũng khâm phục và quý mến chàng thanh niên khuyết tật Nguyễn Thanh Lâm. Với những nỗ lực vượt khó cống hiến vì cộng đồng, Lâm còn được nhận nhiều bằng khen của Hội LHTN VN.

Thu Hằng

( Nguồn : Thanh Niên )