Nghị lực phi thường của ông chủ xưởng may khuyết tật

Ngày đăng: 03/08/2019 - 779 lượt đọc

Sở hữu một xưởng may 300 mét vuông, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động địa phương, anh Phan Văn Tưởng (SN 1970), ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội đã chứng minh được dù thua thiệt về sức khỏe nhưng người khuyết tật không thua kém về tinh thần và ý chí làm giàu.

Ông chủ xưởng giàu nghị lực

Anh Tưởng đang hướng dẫn tận tình công nhân may tại xưởng của gia đình mình. Ảnh Trần Toản.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Tưởng vào một buổi chiều sau cơn mưa chiều tầm tã. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, nhấp ngụm nước trà nóng hổi mới pha, anh Tưởng nhớ lại: 10 tháng tuổi, anh đã phải trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh.
Trận ốm ấy đã khiến anh Tưởng không còn may mắn như bạn bè cùng trang lứa, một bên chân trái của anh bị bại liệt hoàn toàn khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, phải phụ thuộc vào chiếc nạng gỗ.
Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè tung tăng cắp sách tới trường, trong lòng anh Tưởng dâng lên một nỗi thèm khát. Nhưng ban đầu, anh xin bố mẹ thế nào cũng không được.
Phải đến năm 8 tuổi, khi thấy con vẫn không thôi khao khát được đến trường học chữ, bố mẹ anh Tưởng mới buộc phải đồng ý. Những ngày đầu đến lớp, anh Tưởng bị bạn bè trêu ghẹo và nhìn với ánh mắt khinh khi bởi những khiếm khuyết trên cơ thể.
Những lúc như thế anh Tưởng lại nghĩ, giá mà mình nghe lời bố mẹ cứ chịu ở nhà thì sẽ không bị ai xúc phạm.
"Sau những giây phút cảm thấy tự ti và hổ thẹn với bạn bè thì mình lại nghĩ, nếu mình không cố gắng thì sẽ bị coi thường hết cuộc đời. Chính vì nghĩ thế nên mình mới có thể theo học hết được 9 năm học phổ thông đấy" - anh Tưởng nhớ lại.
Học hết lớp 9, anh Tưởng xin nghỉ vì trường xa nhà. Nhưng với ý chí, lòng quyết tâm và niềm tin vào cuộc sống, lúc đó anh Tưởng nung nấu ý nghĩ, phải học được cái nghề nào đó để ít nhất cũng có thể tự nuôi sống bản thân.
Để sau này bố mẹ già, bố mẹ mất đi, anh chị em thì kiến giả nhất phận, sao mà có thể lo cho mình được. Sau nhiều đêm trăn trở, nên anh Tưởng đã quyết định theo học nghề may.
Anh Tưởng chia sẻ: " Mình chỉ bị liệt một bên chân, còn hai tay vẫn cử động được bình thường, thế nên làm nghề may là hợp nhất. Chỉ cần chịu khó và khéo tay một chút là sẽ ổn.
Sự khó khăn nhất của tôi là việc di chuyển, nhưng tôi lại có thuận lợi là sự ủng hộ của nhiều người, nhất là gia đình. Tôi không muốn người khác nhìn mình bằng ánh mắt khinh thường hay thương hại... Tôi luôn động viên mình phải luôn tự tin vào bản thân".
Tuy nhiên, khi được bố chở đi xin học nghề thì không nơi nào chịu nhận anh. Họ từ chối thẳng rằng, anh đi còn không nổi thì làm sao có thể theo được cái nghề cần nhiều sức khỏe này.
Xưởng may thứ nhất từ chối, đến xưởng thứ 2 anh cũng nhận được câu trả lời tương tự, xưởng thứ 3, thứ 4 cũng vậy. Đến mức khi ấy bố anh đã quá nản và khuyên con nên biết chấp nhận sự thật.
Nhưng anh Tưởng không nản chí, anh động viên bố, "Kiểu gì chẳng có nơi người ta thương tình mà nhận con vào học ".
Quả đúng như lời anh nói với bố, một người chủ trẻ của xưởng may trên Hà Nội đã đồng ý nhận anh Tưởng làm học trò. Tuy nhiên, anh này đã nói với Tưởng rằng: "Anh nhận chú nhưng anh không đợi đâu nhé. Nếu chú không cố gắng gấp năm gấp mười người khác thì chú không thể theo được đâu".
Thời gian đầu do phải đi lại và tiếp xúc với chiếc máy khâu nhiều nên anh Tưởng thấy mệt mỏi, tối về nằm ngủ cơ thể đau như bị ai đó đánh. Cứ thế suốt hơn một năm trời anh Tưởng lủi thủi vừa đi, vừa học, trau rồi những kiến thức mà người chủ trẻ truyền cho.
Anh Tưởng đã "lê chân" qua không biết bao nhiêu nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh với mong ước phải học thành nghề mới trở về quê hương.
Anh Tưởng tâm sự: “Thời gian đầu đi học may, anh trai tôi là người đưa đón. Thương anh vất vả, tôi đã quyết tâm tập đi xe đạp, dù rất khó khăn nhưng sau một tuần tôi đã tự đạp xe bằng chính đôi chân của mình”.
Nghề may đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, từng đường kim, mũi chỉ. Yêu cầu kỹ thuật cao là vậy nhưng chưa khi nào anh Tưởng nản lòng.
Với một chân, anh kiên trì học cách đạp máy rồi học cắt, may thành sản phẩm. Có lẽ, bởi cái duyên với nghề mà anh học may rất nhanh và may khéo.
Năm 1987, sau khi ra nghề, anh mở một cửa hàng nhỏ để phục vụ người dân địa phương thì đến năm 2010, anh Tưởng đã tìm tòi và bắt mối với các cửa hàng ở Hà Nội lấy hàng về may gia công.
Do tay nghề cao, lại cẩn thận, sản phẩm anh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm 2011, anh Tưởng mở xưởng sản xuất, với diện tích 100m2 chuyên gia công áo véc, áo sơ mi công sở. Xưởng đắt khách, đơn hàng ngày càng nhiều, anh Tưởng đã giúp đỡ để người nhà cùng san sẻ công việc.
Hiện nay, xưởng may của anh đã được mở rộng với diện tích 300m2, trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, xưởng may của anh Tưởng còn tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động, với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Chị Phạm Thị Thúy (sinh năm 1973)–công nhân tại xưởng nhà anh Tưởng chia sẻ: “Tính đến nay, tôi đã gắn bó với xưởng may của gia đình anh Tưởng đã hơn 7 năm rồi.
Anh Tưởng tuy khuyết tật, bị liệt một bên chân nhưng tinh thần anh ấy luôn lạc quan, nhiệt tình cởi mở hướng dẫn những kỹ thuật trong các công đoạn may cho công nhân nên chúng tôi rất thỏa mái yên tâm chăm chỉ làm việc.
Tôi xác định làm việc may lâu dài tại xưởng nhà vợ chồng anh Tưởng. Chỉ khi nào tôi yếu không thể làm việc được thì tôi mới nghỉ thôi”.
Để nắm bắt kịp thời thị hiếu và nhu cầu may mặc của khách hàng, anh Tưởng không ngừng lên Internet, đọc sách báo và kinh nghiệm của các công ty may lớn để học hỏi trau dồi kiến thức, nắm bắt xu hướng những mẫu mã sản phẩm quần áo thời trang mới nhất và công nghệ để cải tiến máy móc sao cho phù hợp.
Chính vì thế, sản phẩm quần áo của xưởng may của anh Tưởng làm ra bao nhiêu là xuất khẩu hết đến đó. Nhiều đại lý, cửa hàng bán quần áo trên khắp các tỉnh thành luôn liên hệ tìm đến tận nơi xưởng may của anh Tưởng để ký hợp đồng mua quần áo với ố lượng lớn.

Hạnh phúc ngọt ngào

Anh Tưởng nở nụ cười hạnh phúc ngọt ngào bên cạnh vợ và cậu con trai. Ảnh Trần Toản.

Trò chuyện với chúng tôi về mái ấm hạnh phúc nhỏ của mình, anh Tưởng hóm hỉnh bảo: "Cuối năm 2016 là năm đại hỷ của mình. Vừa được làm ông chủ nhỏ lại vừa được làm chồng. Hạnh phúc như từ trên trời rơi xuống, trước đó dù trong mơ mình cũng không bao giờ dám mơ xa xỉ thế".
Thấy anh Tưởng ý chí nghị lực hơn người nên chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1982), ở làng bên đã mở lòng với anh, gần gũi, động viên anh cố gắng. Cảm mến tấm lòng của người con gái nhân hậu nên anh Tưởng đã mạnh dạn bày tỏ tình cảm "thầm yêu trộm nhớ" của mình. Anh cũng chẳng ngờ chị Hà lại nhận lời.
"Hồi cô ấy (chị Hà) nhận lời yêu và đồng ý lấy mình nhiều người bảo Hà bị điên. Bởi Hà là người hoàn toàn bình thường lại chịu thương chịu khó, nhan sắc cũng chẳng đến nỗi nào vậy mà lại quyết định gắn đời mình với một người khuyết tật.
Nhưng Hà bảo, em sống cho em chứ có sống cho mọi người đâu. Một năm sau đó bọn mình được đón thiên thần nhỏ là Phan Nguyễn Minh Khôi (sinh năm 2017).
Dù rất hạnh phúc nhưng mình cũng hiểu rằng mình sẽ phải phấn đấu thật nhiều mới có thể chăm lo chu đáo cho gia đình của mình được.
Số phận lấy đi của mình liệt một bên chân, nhưng cho mình một người vợ tuyệt vời và cậu con trai kháu khỉnh bụ bẫm. Như vậy là mình không có gì thiệt thòi nữa rồi" - anh Tưởng chia sẻ.
Tiếp lời chồng – chị Nguyễn Thị Hà tâm sự: “Anh ấy rất giàu nghị lực và có ý chí vươn lên. Nhiều lúc đơn hàng về nhiều hoặc sáng tạo những sản phẩm mới là anh ấy lại cặm cụi cả đêm lẫn ngày quên ăn quên ngủ để hoàn thành sản phẩm giao cho khách hàng. Hiểu anh ấy nên tôi càng động viên và chăm sóc cho anh và con nhiều hơn”.
Chỉ với 2 bàn tay trắng và một cơ thể khuyết tật, nhưng với nỗ lực không ngừng, đến nay anh Tưởng đã có 2 xưởng may với hơn 60 công nhân. Trong số đó có tới 16 công nhân là người khuyết tật.
Anh Tưởng tâm sự: "Mình đã từng phải rất khó khăn khi khởi nghiệp chỉ vì mình là người khuyết tật. Vì thế nên mình hiểu hơn ai hết những mặc cảm và vất vả mà họ phải trải qua.
Xưởng của mình rất rộng mở để đón nhận những người không may mắn. Mình sẽ cố gắng dạy cho họ cái nghề để họ có được một thu nhập ổn định. Khi có nghề nghiệp và thu nhập, bản thân những người khuyết tật sẽ tự tin hơn với những người xung quanh ".
Với nghị lực vượt lên chính mình đáng khâm phục, mới đây năm 2016, anh Tưởng vinh dự được Huyện ủy Phú Xuyên khen thưởng là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Anh Phan Văn Tưởngg vinh dự được nhận nhiều giấy khen của các cấp bộ ngành. Ảnh Trần Toản.

Nói về ý chí giàu nghị lực của anh Tưởng, ông Nguyễn Văn Hà – trưởng thôn Duyên Yết vui vẻ tâm sự: "Anh Tưởng tuy bị khuyết tật liệt một bên chân nhưng là một người có nghị lực phi thường trong cuộc sống và công việc kinh doanh.
Trong công việc tại xưởng may của mình, anh Tưởng luôn giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn, vất vả. Anh còn giúp đỡ nhiều người khuyết tật cùng cảnh ngộ có công ăn việc làm, có thu nhập ổ định. Anh Tưởng là tấm gương để chúng tôi học hỏi và noi theo ".


Nguồn: congluan.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song