Trung ương Hội tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và Chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững”.

Ngày đăng: 11/08/2023 - 653 lượt đọc

Ngày 10/8/2023, Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và Chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững”.

 

Văn nghệ chào mừng hội nghị

Dự hội nghị có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên thường trực - Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các đồng chí đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các ban ngành, đoàn thể Trung ương.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội khẳng định: Mặc dù cuộc vận động và chương trình được triển khai trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, song thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kết quả của cuộc vận động và chương trình đã chứng minh cho hiệu quả hoạt động của Hội, khẳng định hội là mái nhà chung ấm áp của hơn 73 nghìn hội viên trong cả nước".

15 năm qua, cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững” đã tiếp thêm động lực, niềm tin, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Hội, góp phần giúp người mù vươn lên khẳng định bản thân, xóa đói giảm nghèo, tự tin hòa nhịp với sự phát triển của xã hội.

Ảnh: Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Tỉnh hội Thái Bình phát biểu tham luận tại hội nghị.

Các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, hội viên, đồng thời, gắn cuộc vận động với việc triển khai thực hiện các Chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban ngành, địa phương phát động. Cán bộ, hội viên trong toàn Hội hết sức tự hào khi tinh thần của cuộc vận động đã được đưa vào Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng: “Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật theo phương châm “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập với cộng đồng”.

Ảnh: Đồng chí Hà Huy Thông, Chủ tịch Tỉnh hội Hà Tĩnh phát biểu tham luận tại hội nghị.

Các cấp Hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng như: tổ chức 3 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, 2 kỳ đại hội thi đua yêu nước toàn quốc; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội và tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về việc Giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam. Bên cạnh đó, các hội nghị, hội thảo và nhiều phong trào, hội thi bổ ích đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên trong cả nước.

Tổ chức Hội được củng cố, phát triển và kiện toàn từ 42 Tỉnh, Thành hội, 365 Huyện hội và 56 nghìn hội viên lên 58 tỉnh, thành có tổ chức Hội; 424 Huyện Thị hội, và 72500 hội viên. Đội ngũ cán bộ Hội được chuẩn hóa và trẻ hóa, thường xuyên được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, từng bước đáp ứng yêu cầu về trình độ, kỹ năng trong công tác Hội, số lượng cán bộ Hội là nữ, là người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ ngày càng tăng.

Ảnh: Anh Nguyễn Trung Thái, đại diện Hội Người mù thành phố Hà Nội phát biểu tham luận tại hội nghị.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song cuộc vận động đã góp phần giúp công tác tuyên truyền văn hóa giáo dục được đẩy mạnh và có những bước đột phá mới. Toàn Hội đã mở hơn 1 nghìn lớp xóa mù chữ, phục hồi chức năng cho gần 10 nghìn hội viên. TW Hội đã chuyển đổi và in hơn 13 nghìn bộ sách chữ Braille, cấp hơn 11 nghìn bộ học cụ bảng bút, con cắm, bảng toán để phục vụ cho công tác mở lớp tại địa phương. Các đơn vị còn tích cực mở các lớp kỹ năng công tác Hội, kỹ năng sống, lớp tiếng Anh, tin học, âm nhạc, kỹ năng giao tiếp ứng xử, nghề công tác xã hội... cho cán bộ, hội viên. Ngoài ra, 695 lớp tiền hòa nhập đã được mở giúp gần 4000 trẻ em khiếm thị được đến trường, được chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập tại các trung tâm trực thuộc các Tỉnh, Thành hội.

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hơn 21 nghìn cán bộ, hội viên đã chủ động học tập, làm việc, nâng cao trình độ và nắm bắt thông tin qua máy tính, smart phone kết nối internet. 100% các Tỉnh, Thành hội và hầu hết các Quận, Huyện hội ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Huế, Chủ tịch Tỉnh hội Bắc Ninh phát biểu tham luận tại hội nghị.

Công tác tuyên truyền trong và ngoài Hội luôn được chú trọng với nhiều hình thức phong phú thông qua hơn 2000 tin bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi năm; 870 bản tin nội bộ được xuất bản bằng chữ Braille, audio và chữ in thông thường, một số đơn vị xây dựng trang web, fanpage, phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự về hoạt động Hội, mô hình hay, gương điển hình tiên tiến... góp phần tuyên truyền về hoạt động Hội và khả năng của người mù.

Tạp chí Đời mới xuất bản định kỳ với 90 số Tạp chí chữ Braille, 90 số phát thanh và 9 số tạp chí đặc biệt tổng số gần 160 nghìn cuốn và đĩa CD được cải tiến, đổi mới về hình thức, phong phú về nội dung. Trên các nền tảng số như: Cổng thông tin điện tử, kênh Youtube, fanpage, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam hay thư viện trực tuyến đã phát huy tốt hiệu quả để kịp thời thông tin đến cán bộ, hội viên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các nội dung chương trình hoạt động Hội.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được tiếp thêm sức sống mới với thành công của các kỳ Liên hoan Tiếng hát từ trái tim và các cuộc thi viết: Onkyo, Người mù thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”, Nguồn sáng cuộc đời, “Đọc và tự học theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Gia đình đọc sách – gắn kết yêu thương”, “Thắp sáng niềm tin, dựng xây cuộc đời mới”…, hội thi tin học, đọc viết nhanh chữ Braille, giao lưu văn nghệ, ngày hội thể thao được tổ chức trên mọi miền đất nước. Hình ảnh những hội viên của Hội trở thành những giáo viên, nghệ sĩ, nhà văn, những thạc sỹ, cử nhân hay những vận động viên đứng trên bục vinh quang tại các đại hội thể thao toàn quốc, Paragame, nhịp nhàng trong các điệu khiêu vũ đã truyền cảm hứng và mang lại sự khâm phục trong cộng đồng xã hội.

Chương trình hợp tác quốc tế với nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai tại Trung ương Hội và các địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên thông qua việc trang bị máy móc, thiết bị, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trợ giúp pháp lý. Với sự quan tâm của Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các tổ chức trong nước và quốc tế, hơn 22 nghìn cây gậy trắng đã được trao tặng, giúp người mù đi lại an toàn, chủ động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội. Giờ đây, Hội trở thành đối tác tin cậy của nhiều tổ chức quốc tế như UNDP, các tổ chức đến từ Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ. Đặc biệt, Hội đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” năm 2022 và là đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức hội thảo massage người mù khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 16 tại thủ đô Hà Nội vào tháng 9 tới.

Với sự lớn mạnh của tổ chức hội, công tác phụ nữ và trẻ em đã tạo bước chuyển biến vượt bậc trong việc chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ hội viên và trẻ em khiếm thị. Đến nay, có 262 chị đã tự tin đảm trách các vị trí quan trọng trong tổ chức Hội, trong đó, có 1 Chị là Phó Chủ tịch TW Hội, 27 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh, thành Hội; 234 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các quận, huyện Hội. Nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội thi… đã giúp chị em và các cháu thể hiện khả năng, tự tin bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với tổ chức Hội và cộng đồng. Chương trình “Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở” không chỉ được đón nhận sự quan tâm của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các nhà hảo tâm mà còn nhận được sự tích cực hưởng ứng của các cấp Hội với hơn 425 triệu đồng do chính cán bộ, hội viên đóng góp, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong toàn Hội.

Cũng trong 15 năm qua, Chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững” đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, hội viên. Với sự nỗ lực của Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù thuộc TW Hội và 16 Trung tâm Dạy nghề trực thuộc các Tỉnh, Thành hội, từ năm 2008 đến nay, toàn Hội đã mở 1300 lớp dạy các nghề làm tăm, làm chổi, làm hương, thủ công mĩ nghệ, tin học văn phòng, xoa bóp bấm huyệt, y sĩ y học cổ truyền, bán hàng online, dán nhãn dữ liệu, công tác xã hội cho 21 nghìn lượt hội viên với tổng kinh phí 71 tỉ đồng. Được đào tạo nghề, hơn 3500 người mù đã tham gia làm việc tại 359 cơ sở sản xuất tập trung do Hội quản lý; gần 4000 người mù khác làm việc tại các tổ nhóm sản xuất thủ công và cơ sở massage do hội viên thành lập.

Những kiến thức được học cùng sự hỗ trợ của tổ chức Hội đã trở thành động lực giúp 58,3 nghìn lượt hội viên mạnh dạn vay 52 tỉ đồng từ quỹ quốc gia về việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, rất nhiều trang trại chăn nuôi, cơ sở massage, doanh nghiệp do người mù làm chủ đã hình thành trên khắp cả nước. Nhiều hộ gia đình người mù từ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo và dần trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ chính sách an sinh của Nhà nước, hơn 52 nghìn người mù đã được hưởng trợ cấp xã hội, hơn 62 nghìn người mù được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nhà ở, tặng quà, trợ cấp đột xuất hoặc thường xuyên cho người mù với giá trị hàng nghìn tỉ đồng trong suốt 15 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người mù.

Những chính sách hỗ trợ đồng bộ ấy đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong toàn Hội từ 28,2% xuống còn 11,9%.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, các tham luận của cán bộ, hội viên đều có chung khẳng định: “Mặc dù trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, song những kết quả mà cuộc vận động và chương trình mang lại đã thật sự có ý nghĩa to lớn với tổ chức Hội và đời sống vật chất, tinh thần của hội viên”.

Anh Phạm Văn Thọ, hội viên Hội Người mù thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thời điểm tôi được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (nay là Quỹ Quốc gia về việc làm) cách đây đã 13 năm. Lúc đó, trong tay hai vợ chồng gần như không có chút vốn nào để mở cơ sở. Được Hội hướng dẫn và tạo điều kiện, tôi được vay 5 triệu đồng, số tiền đó thực sự rất ý nghĩa và kịp thời với chúng tôi. Chúng tôi đã vay mượn thêm của gia đình, bạn bè và mở cơ sở xoa bóp. Đến nay thì cơ sở của chúng tôi đang ngày một phát triển vững vàng và mang lại thu nhập tốt cho gia đình tôi và 5 anh em khiếm thị khác”.

Ảnh: Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao và nồng nhiệt chúc mừng kết quả hoạt động của Hội Người mù Việt Nam cũng như cuộc vận động và chương trình đã đạt được trong 15 năm qua. Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị Hội căn cứ vào 5 bài học kinh nghiệm trong 15 năm qua, lựa chọn những việc cần làm, những việc có thể làm được, chủ động đề xuất, phối hợp với các cơ quan triển khai thực hiện, thiết thực hỗ trợ hội viên vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để xã hội hiểu sâu sắc hơn về người mù và Hội Người mù Việt Nam. Đồng chí cũng đề nghị các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền MTTQ Việt Nam ở địa phương cần quan tâm, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 1190-QĐ/TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, cùng ứng xử thật lòng, giúp đỡ hỗ trợ cao nhất, thiết thực, hiệu quả nhất hội người mù và người mù tại các địa phương.

Tại hội nghị, thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Phạm Xuân Trường - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù vì những đóng góp cho công tác phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người mù, góp phần xây dựng tổ chức Hội phát triển vững mạnh.

Ảnh: Đồng chí Đỗ Văn Chiến đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Phạm Xuân Trường - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù

Buổi chiều, hội nghị tiếp tục nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị Tỉnh, Thành hội và thông qua các chương trình làm việc của Ban Chấp hành như: Thông qua quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Thường vụ, Ban Thường trực nhiệm kỳ X (2022-2027); thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung quyết định về việc ban hành tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội.

Trung ương Hội đã tặng bằng khen cho 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện cuộc vận động và chương trình.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu và đồng chí Phạm Xuân Trường trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện cuộc vận động.

Ảnh: Đồng chí Đinh Thanh Tùng và đồng chí Đinh Việt Anh trao bằng khen của Trung ương Hội cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chương trình hành động Việc làm - giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn mới, phát huy truyền thống xây dựng và phát triển hơn nửa thế kỷ, cùng những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, cán bộ, hội viên toàn Hội quyết tâm vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững”, cùng với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã đề ra nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và không để bất kỳ người mù nào bị bỏ lại phía sau.

Sưu tầm: Phạm Mai

Nguồn: Tạp chí Đời mới


Bình luận

Viết bình luận