Xây dựng quy định chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille

Ngày đăng: 12/06/2019 - 1605 lượt đọc

Nhằm thống nhất chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) được giao nhiệm vụ làm đầu mối và phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các cục, vụ chức năng khác xây dựng Thông tư quy định chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille.

Bộ chuẩn với 888 kí hiệu và 96 quy tắc viết các kí hiệu Braille chữ cái, kí hiệu dùng trong văn bản, kí hiệu Braille Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Âm nhạc đã được điều chỉnh, bổ sung, xây mới và đang trong quá trình lấy ý kiến nhằm thống nhất chung trên toàn quốc.
Bộ chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người mù là căn cứ thống nhất để các cơ sở chuyển đổi và in sách giáo khoa cho học sinh mù. Các trường học có học sinh khiếm thị trên cả nước có sự thống nhất dùng chung các kí hiệu trong các môn học.
Bộ chuẩn ra đời cũng giúp cho các lực lượng khác trong xã hội dễ dàng tiếp cận với chữ nổi Braille để sẵn sàng hỗ trợ người khiếm thị.
Bên cạnh đó, trước thời cơ và thách thức của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, việc ứng dụng các thiết bị công nghệ cao nhằm hỗ trợ người khiếm thị đòi hỏi cần có Bộ chuẩn quốc gia về chữ nổi nhằm tối đa hóa sự hỗ trợ cảu những công cụ này.
Trên cơ sở hệ thống kí hiệu đã thống nhất, các phần mềm, kĩ thuật hỗ trợ người khiếm thị như: Chuyển chữ viết thành văn bản nói, chuyển văn bản thường thành dạng văn bản chữ nổi… sẽ được thiết kế tích hợp và đem lại nhiều ứng dụng có giá trị cho người khiếm thị, mang lại cơ hội học tập, tiếp cận bình đẳng về công nghệ thông tin.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỉ lệ người khuyết tật chiếm khoảng 8-10% dân số thế giới, trong đó, tỉ lệ người khiếm thị chiếm khoảng 13.7%.
Tại Việt Nam, theo số liệu tổng điều tra dân số 2009, với khoảng 6,7 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người khuyết tật (tương ứng với khoảng 7,8% dân số), Việt Nam là nước có tỷ lệ người khuyết tật cao so với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nước ta có khoảng 1.329.000 trẻ khuyết tật, trong đó 12,43% là trẻ khiếm thính; 13,73% là trẻ khiếm thị; 28,36% là trẻ khuyết tật trí tuệ; 12,57% là trẻ khuyết tật ngôn ngữ; 19,25% là trẻ khuyết tật vận động và 13,66% là trẻ có các tật khác và đa tật.
Đồng thời, năm 2015, theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mù lòa toàn quốc năm 2015 là 1,8% dân số. Như vậy có thể thấy được sự đa dạng về nhu cầu và khả năng của người khiếm thị.
Bộ chuẩn Quốc gia về hệ thống kí hiệu chữ nổi ra đời là cơ sở nền tảng, điều kiện cần thiết cho việc tham gia giáo dục, lao động và sinh hoạt có chất lượng và bình đẳng cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song