Chuyện của cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Vân: 'Đã có lúc tôi muốn trả thù đời'

Ngày đăng: 06/08/2019 - 1886 lượt đọc

7h tối cuối tuần, chiếc xe taxi đỗ trước quán cafe, một người ngoại quốc bước xuống, rồi từ tốn đẩy người vợ đang ngồi trên xe lăn vào quán.

Quán nằm ở tầng 2, lại không có thang máy, thế là người chồng ngoại quốc cứ thế "nhấc bổng" vợ mình lên tầng 2. Người vợ ấy - Nguyễn Thị Vân, một cái tên nổi tiếng trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam tâm sự với tôi: "Anh ấy là thế! Anh ấy giống như cái bóng của em".
Một cô gái khuyết tật Việt Nam lấy một người chồng bình thường đến từ Australia, đấy có phải là một câu chuyện cổ tích không? Một số bài báo gọi đấy là cổ tích. Cá nhân tôi cũng thấy một màu sắc cổ tích giữa đời thường.
Nhưng nhân vật chính của "chuyện cổ tích" lại không nghĩ thế: "Nói thế này cho nhanh! Em tán trai giỏi lắm. Anh ấy mà rơi vào tầm ngắm của em rồi thì đừng có hòng mà chạy thoát..." - Vân nói cùng nụ cười tươi rói trên môi.
Trong suốt buổi cà phê với tôi, Vân toàn nói theo kiểu thẳng thắn, rõ ràng, không che đậy ấy. Tuyệt đối, không thấy một chút nào lên gân, càng chẳng có một chút nào tô vẽ hay đánh bóng mình.
"Tụi em quen nhau qua facebook. Nói chuyện qua facebook cả hai đều thấy anh ấy là kỹ sư, đi nhiều mà lại ít bạn và cô đơn. Em ngược lại, dẫu là người khuyết tật nhưng đi hết chỗ này đến chỗ khác, và có không biết bao nhiêu bạn bè. Thế là tụi em đến với nhau".

Lúc đầu thì kỹ sư Neil Bowden đi đi về về giữa Australia và Việt Nam, nhưng bây giờ thì ở hẳn Việt Nam. Anh Neil xen vào câu chuyện giữa chúng tôi: "Tôi rất thích nụ cười của Vân. Nụ cười ấy lúc nào cũng tươi".
Quả đúng là nụ cười của Vân hôm nay tươi tắn và rạng rỡ một cách kỳ lạ, nhưng ít ai biết là trong quá khứ đã có những lúc Vân và gia đình Vân không sao cười nổi.
Vân sinh ra như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi càng lớn lên Vân lại càng giống anh trai mình: cơ thể dần nhỏ lại vì căn bệnh teo cơ tủy sống. Vân đi học bằng xe lăn, và đấy là những ngày tháng cực hình khi bạn bè trêu chọc, xa lánh và cả hành hạ nữa.
"Có những hôm mùa đông, trời lạnh như cắt, tất cả các bạn đều ra khỏi lớp, nhốt em một mình ở trong lớp. Rồi các bạn bật quạt trần, em ngồi một mình, lạnh lắm, nhưng không biết phải xoay sở thế nào. Rồi các bạn lại bảo là trường em có ma, nên những lúc như thế em hoảng sợ lắm" - Vân nhớ lại. Thời điểm ấy có hai cứu cánh để Vân vượt thoải khỏi những nỗi sợ cứ bao phủ lấy mình.
Thứ nhất là mỗi lúc ở trường, bị bạn bè bỏ rơi Vân luôn tưởng tượng về một anh hồn ma như là "Thần hộ mệnh", đẹp trai kiểu thư sinh, đeo kính và mặc áo sơ mi kẻ luôn luôn ở cạnh để bảo vệ mình.
Nhưng nếu cứu cánh này viển vông và mang đầy những sắc màu lãng mạn của tuổi mới lớn thì cứu cánh thứ hai thực tế hơn nhiều: Vân sẽ được đưa sang Mỹ chữa bệnh, và trong một tương lai nào đó có thể rời xe lăn, đi lại bằng chính đôi chân của mình.
Vân bảo rằng, có một người đàn bà từ Mỹ về Việt Nam đã hứa hẹn với gia đình Vân như vậy. Người đàn bà này nói rõ, đây là một chương trình đặc biệt dành cho người khuyết tật Việt Nam, và Vân sẽ được chữa trị mà không mất bất cứ khoản chi phí nào.
"Em tin vào lời hứa này để có thể tiếp tục sống. Hằng đêm em vẫn luôn thủ thỉ "Chúa ơi, xin Người hãy luôn bảo vệ và che chở cho bà ấy, để bà ấy khỏe mạnh và trở về VN đón con".
Em luôn cầu nguyện cho người đàn bà ấy như vậy. Rốt cuộc thì bà ấy cũng về gặp gỡ vài lần, nhưng trong lần cuối cùng thì mọi thứ trong em sụp đổ. Vì bà ấy nói rằng muốn sang Mỹ phải mất khoảng 500 USD. Với em, nó là một cú sốc. Em không thể tin được là cuối cùng bà ấy lại nói với em như vậy. Bà ấy không bao giờ hiểu được rằng lúc ấy em đã khủng hoảng như thế nào", kể đến đây thì Vân ngừng lại và hỏi tôi: "Anh có biết, trong cơn khủng hoảng ý nghĩ lớn nhất của em là gì không?".
Một cô gái nhà nghèo, ngồi trên xe lăn, bị bạn bè trêu chọc, và bị người đời nhìn nhận bằng ánh mắt miệt thị đã dồn tất cả vào một hy vọng, bây giờ hy vọng tan tành khói mây, cô gái đấy sẽ phản ứng như thế nào? Tự tử chăng? Tự tử là một "lối thoát" có thể hiểu được trong hoàn cảnh này. "Không! Em không nghĩ thế!" - Giọng Vân dứt khoát. "Anh có tin không, lúc đó em nghĩ sẽ phải trả thù bà ấy bằng mọi giá. Cách trả thù hiệu quả nhất là sẽ kiện bà ấy lên tổng thống Mỹ.
Và muốn kiện bà ấy lên tổng thống Mỹ thì nhất định phải biết tiếng Anh. Thế là em lao vào học tiếng Anh... Có thể nói chính sự căm thù bà ấy lại là một động lực để em học tiếng Anh. Nhưng lạ lắm anh ạ, vài năm sau, khi em có thể nói trôi chảy tiếng Anh thì em lại quên luôn bà ấy.
Cách đây ít lâu, em có sang Mỹ công tác, cũng chẳng nhớ lại bà ấy làm gì", tâm sự những câu chuyện riêng của mình rồi Vân chuyển sang những vấn đề chung của cộng đồng người khuyết tật: "Em đã trải qua tất cả những điều này cho nên bây giờ hễ thấy ai có dấu hiệu lợi dụng, làm tổn thương tới người khuyết tật là em luôn phản ứng cực kỳ mạnh mẽ. Em đã làm mất lòng rất nhiều người vì lý do này".
Có những chạnh lòng, có những xót xa, có những khủng hoảng, và có cả những khoảnh khắc sụp đổ, nhưng sau tất cả và trên tất cả Nguyễn Thị Vân vẫn là một cô gái mạnh mẽ. Vân bảo, mẹ Vân là một người mạnh mẽ, không bao giờ đầu hàng trước khó khăn, thành thử cứ mỗi lúc nhìn vào mẹ là Vân hiểu phải tiếp tục sống hết mình.
Có lần Vân mạnh dạn xin mẹ 10 triệu vào tận Tiền Giang để vừa sống vừa học việc. Lại có lần Vân quyết định ra ngoài kinh doanh, mở tiệm Internet, và cả hai lần ấy đã giúp Vân nhận ra một điều: À, hóa ra cuộc sống ngoài kia là thế đấy! Chỉ có chính mình mới cứu được cuộc đời mình!
Chính từ những nhận thức như thế mà 3 năm trước Vân quyết định "chơi liều" khi cùng một số người bạn thành lập một công ty thiết kế đồ họa.
Vân chia sẻ: "Thời điểm ấy em quyết tâm phải làm được một cái gì đó, em cũng đã có chút kinh nghiệm khi làm việc cho một công ty của Đan Mạch rồi. Bây giờ thì công ty của em đã có 69 nhân viên, trong đó khoảng 43% là người khuyết tật. Nhưng công ty em cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài, hiện tại có khoảng 50% khách Mỹ, 40% khách châu Âu, 9% khách Australia... Nói chung là chúng em làm ăn rất ổn. Những cổ đông đang đồng hành cùng em cũng rất tuyệt vời, tất cả đều đồng ý rằng: sẽ tặng lại 40% cổ tức mà họ được chia để tài trợ cho các hoạt động của trung tâm "Nghị lực sống" và dành cho cộng đồng người khuyết tật".

Cần nói cho rõ là năm 2006, anh trai của Nguyễn Thị Vân là Nguyễn Công Hùng - cũng là một người khuyết tật đã cùng Vân và bạn bè mở trung tâm Nghị lực sống tại Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp và đào tạo nghề miễn phí cho những người khuyết tật có đam mê công nghệ thông tin.
Anh Nguyễn Công Hùng được mệnh danh là "hiệp sĩ công nghệ", và là một thần tượng lớn trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Nhưng do sự phát tác của căn bệnh teo cơ tủy sống bẩm sinh mà năm 2012 anh Hùng đột ngột qua đời, thế là Nguyễn Thị Vân thay anh điều hành cả Trung tâm Nghị lực sống. Cũng vì thế mà người ta hay gọi cô là Vân "nghị lực sống".
"Anh biết không, những người mắc bệnh teo cơ tủy sống như hai anh em nhà em đều biết trước những cái mốc cuối cùng của cuộc đời mình. Tất cả những ai mắc bệnh này đều sẽ chết vào một trong 3 mốc sau đây: 18 tuổi - 31 tuổi - và 54 tuổi. Anh trai em mất vào đúng năm 31 tuổi. Em năm nay 32 tuổi, em vẫn hay nói với các bạn bè của mình rằng em biết trước giới hạn của mình, thế thì trong khoảng thời gian được sống, tại sao lại không dám sống hết mình? Tại sao không cố gắng làm tất cả những gì mình có thể làm, đúng không anh?", Vân hỏi tôi như vậy rồi lại chỉ về phía người chồng ngoại quốc và nói thêm: "Nếu em cứ mãi rụt rè, sợ hãi thì làm sao có ngày em có được một người chồng! Mà anh biết không, chồng em lãng mạn lắm, anh ấy thường có những món quà rất bất ngờ tặng em. Ví dụ những người ngồi xe lăn nhiều như em thường bị hoại tử ở mông, thế là một lần, anh ấy đi siêu thị về, liền tặng em một cái quần rất đặc biệt để khi ngồi xe không bị đau mông nữa. Em thích những món quà bất ngờ như thế lắm. Em thấy một số người xung quanh cứ hay kêu ca đời sống vợ chồng cũng nhiều lúc mệt mỏi, nhưng tụi em chẳng thấy mệt mỏi gì cả. Đời sống tụi em rất vui...".
Chồng Vân không biết tiếng Việt, nên không biết cô đang nói gì, nhưng cứ chăm chú ngồi nghe, rồi thi thoảng lại góp vào một nụ cười hiền.
Buổi cà phê hôm ấy, nhìn cái cảnh anh chàng bế Vân lên rồi lại bế Vân xuống cầu thang, tôi nghĩ nhiều đến những biểu hiện và giá trị của hạnh phúc trong cuộc đời này.
Có vẻ cũng nghịch lý và vô cùng lắm: trong khi có những người khuyết tật luôn đầy đặn về hạnh phúc thì lại có những người bình thường khuyết tật về hạnh phúc. Thế nào mới đích thực là một cuộc đời hạnh phúc đây?
Nhìn một Nguyễn Thị Vân với nụ cười tươi rói trên xe lăn cùng một người chồng ngoại quốc gắn bó với mình như hình với bóng, trong tôi nảy lên những kiến giải rất khác nhau cho câu hỏi có tính muôn thuở này.
 

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song