Nghệ sĩ Đào Ngọc Huỳnh: Nghệ thuật giúp người khuyết tật vượt qua chính mình

Ngày đăng: 27/04/2016 - 1102 lượt đọc

Đào Ngọc Huỳnh là nghệ sĩ điêu khắc, nhưng anh gắn bó với nghề làm báo đến gần hai chục năm. Trong gần hai chục năm ấy, Huỳnh vẫn luôn đau đáu với điêu khắc.

Những tác phẩm anh làm ra - tuy không nhiều - bao giờ cũng mang lại sự hài lòng “hơn cả mong đợi” cho những người đặt hàng. Thời gian gần đây, người ta biết đến Đào Ngọc Huỳnh không phải với tư cách là một nhà điêu khắc “có giá” mà là tư cách thầy giáo của các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu. Anh cũng là một trong những nhân vật được bình chọn của chương trình Gala “Việc tử tế” của Đài Truyền hình VN năm 2015. Thực ra, công việc làm thầy của anh đã âm thầm diễn ra hơn chục năm nay, nhưng chỉ đến khi các em thực sự cứng cáp, thực sự vượt qua chính mình để không ám ảnh “mình là người khuyết tật”, để tự tin bày các tác phẩm của mình trong một cuộc triển lãm năm 2008 - người ta mới biết có một lớp nghệ thuật như thế. Và giờ, lớp nghệ thuật ấy đã phát triển thành “Ngôi nhà nghệ thuật” với sự hỗ trợ của Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội.

“Ngôi nhà nghệ thuật” có phải là cái cớ để anh từ bỏ nhiều việc khác, dành thời gian cho nó?

- Cũng có một phần là thế. Bởi bây giờ, công việc hướng dẫn các em học nghệ thuật càng ngày càng đòi hỏi nhiều thời gian hơn, để các em chuyên nghiệp hơn. Ngoài việc hướng dẫn trên lớp, mỗi tháng đôi lần, tôi dẫn các em đến những làng gốm như Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Cậy (Hải Dương), Làng Ngòi (Bắc Giang)... Tại đây, các em được các nghệ nhân hướng dẫn các bước làm gốm và làm ra sản phẩm của mình. Phần khác là tôi muốn tập trung vào nghề nhiều hơn. Thú thật, trong quá trình hướng dẫn các em khiếm thị, tôi cũng học được ở các em nhiều điều... Một trong những điều đó là tinh thần lạc quan và muốn làm một điều gì đó thật sự có ý nghĩa trong cuộc sống.

Từ đâu mà anh có những người bạn đặc biệt như vậy?

- Tôi chỉ dám nhận mình là người đồng hành của các em ấy thôi. Còn chuyện “kết bạn” của tôi thì hơi dài dòng. Mới đầu, trường Nguyễn Đình Chiểu có một lớp dạy vẽ cho học sinh khiếm thị do nghệ sĩ Elisabeth Perrson người Thụy Điển hỗ trợ. Trước đó, bà Elisabeth có tham dự một triển lãm của nữ nghệ sĩ thủ đô Hà Nội và họa sĩ Thẩm Đức Tụ, lúc đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, mời bà đến trường Nguyễn Đình Chiểu. Elisabeth Perrson rất thích và nói: Tại sao không nghĩ ra một cái gì đó để cho các em được tiếp xúc với nghệ thuật? Bà đã quyết định mở lớp dạy vẽ. Đó là đầu những năm 2000 và chỉ dạy vẽ thôi. Chỗ này tôi muốn nói thêm về Elisabeth Perrson. Bà là nghệ sĩ làm gốm khá nổi tiếng ở Thụy Điển và là một nhà hoạt động xã hội cực kỳ tích cực nên đã có những mối quan hệ với nhiều thành viên trong hoàng gia. Bà đã quan tâm và vận động rất nhiều cho dự án dành cho trẻ em khiếm thị...

Ban đầu, bà Elisabeth cũng không biết làm cách nào để hướng dẫn các em, sau đó bà cùng trường nghĩ ra một tấm bảng có lưới để các em định vị được. Các em rất thích thú về sáng tạo đó. Màu thì sẽ do những người sáng mắt giúp bởi khiếm thị bẩm sinh thì không biết màu, những người bị bệnh sau này thì chỉ biết màu trong ký ức. Đến năm 2006, bà Elisabeth cho rằng, bộ môn vẽ có vẻ không thích nghi lắm đối với các em bởi các em không nhìn thấy tác phẩm của mình đã đành, mà cũng khó mà cảm nhận được thông qua các giác quan khác...

Con tôi cũng học ở trường Nguyễn Đình Chiểu (ở trường chỉ có khoảng 10% học sinh khiếm thị học hòa nhập - PV), vì thế tôi cũng hay qua lại lớp vẽ vì thấy rất thú vị trước những bức vẽ của các em. Một lần, thầy hiệu trưởng hỏi tôi tìm giúp một nghệ sĩ để giúp các em trong bộ môn điêu khắc... Và thế là tôi nhận lời và tiếp xúc với dự án của Elisabeth từ đó.

Các em học sinh khiếm thị trong một buổi đi thực tế tại làng gốm.

Đồng hành cùng những người khiếm thị đã là khó khăn, vất vả hơn người rồi. Đồng hành cùng họ trên con đường nghệ thuật, hẳn là gian nan hơn rất nhiều...

- Quả thật, lúc đầu vô cùng khó khăn, bởi các em thiếu một giác quan quan trọng nhất để làm nghệ thuật. Lúc đầu tôi chỉ kể chuyện thôi, rồi làm các thứ rất đơn giản là gấp giấy, gọt, sờ, nắn, tiếp xúc với những mẫu hình con vật. Sau đó các em hỏi và tôi sẽ tả lại để cho các em khái niệm được đồ vật, hình khối. Trong tất cả các loại khuyết tật thì có lẽ khuyết tật thị giác là kinh khủng nhất, thiệt thòi nhất, bởi cả đời các em đắm chìm trong bóng tối. Từ cảm xúc đó, tôi quyết tâm giúp các em tham gia vào thế giới nghệ thuật trong bóng tối. Tôi đặt ra slogan cho dự án của mình là “Nghệ thuật vượt qua thị giác”. Bà Elisabeth rất thích dự án này.

Sau khoảng 2 năm kể chuyện và làm các việc đơn giản nói ở trên, tôi bắt đầu cho các em tiếp xúc với đất. Và một điều thật là tuyệt vời là trí tưởng tượng của các bạn khiếm thị vô cùng phong phú. Những người bình thường nhìn mỗi sự vật sẽ bị hạn chế bởi chính sự vật ấy, hay nói cách khác là trí tưởng tượng bị đóng khung trong sự vật ấy. Nhưng đối với các em, trí tưởng tượng lại vô biên. Không dừng lại ở cái mà người thường nhìn thấy. Có em khi tôi hỏi trong trí tưởng tượng của mình trăng sẽ như thế nào? Bạn ấy bảo chưa bao giờ nhìn thấy. Tôi bảo thử vẽ, thì bạn ấy vẽ như cái đòn gánh. Hỏi, tại sao? Đáp, con không biết, chỉ tưởng tượng ra thế thôi. Điều đó khiến tôi thật kinh ngạc nhưng cũng thấy thú vị bởi trong nghệ thuật không có sự ép buộc nào, một khuôn mẫu nào cho một đồ vật. Chỉ có điều nó phải đặt trong một hoàn cảnh nào, bố cục nào cho hợp lý mà thôi. Những vật dụng mà các em ấy sờ thấy, dần dần được “hiện lên” ngày một chuẩn hơn. Ví dụ nếu là nặn con cá thì ít nhất nó phải đúng với hình dáng giải phẫu của nó là thuôn thuôn hình thoi, có đầu, có đuôi như thế nào. Chứ không thể con cá lại là hình tròn hay khối lập phương... Mỗi khi đến lớp các em rất vui, rất hào hứng và tập trung tuyệt đối vào việc nặn vì không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài mà người mắt sáng hay bị chi phối. Đó cũng là một trong những “ưu điểm” hiếm hoi của người khiếm thị. Và đến với lớp học cũng là một liệu pháp để giải tỏa tâm lý cho các em, đó là cái được trước mắt của dự án.

Khó khăn là thế, nhưng được biết, chỉ trong một thời gian ngắn, các em đã có 3 cuộc triển lãm “trình làng”...

- Chính xác hơn là 4 cuộc. Năm 2004, chúng tôi triển lãm ở 29 Hàng Bài (nhân Ngày Khuyết tật Việt Nam) và đã gây được hiệu ứng tốt với người xem, có đại sứ các nước Thụy Điển, Nhật Bản và phu nhân các vị đại sứ các nước khác ở VN cùng tham dự. Sau đó vài tháng, Đại sứ quán Thụy Điển mời “Ngôi nhà nghệ thuật” sang Thụy Điển triển lãm và giao lưu với các em học sinh và nghệ sĩ ở một số thành phố như Stockholm, Hoor, Ytstad, Tomellila, Malmo. Sau chuyến đi đó, các em vô cùng phấn khởi và càng yêu, càng thích học hơn. Năm 2011, chúng tôi lại có một triển lãm nữa ở Bảo tàng Mỹ thuật VN (nhân Ngày Khuyết tật thế giới) và được giới chuyên môn đến rất đông. Những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp đã vô cùng ngạc nhiên và đánh giá cao công việc của các em. Gần đây nhất là giữa năm ngoái, triển lãm được mở ở Dolphin Plaza, cùng với các tác phẩm của trường Tomellila và Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật PMB Hải Dương - có thể coi là chi nhánh thứ hai của “Ngôi nhà nghệ thuật”.

Vậy thì qua công việc hướng dẫn của mình ở “Ngôi nhà nghệ thuật”, anh có nghĩ là mình đang giúp các em có một công việc nghệ thuật để kiếm sống sau này?

- Qua các cuộc triển lãm nói trên, cũng có nhiều người mua tác phẩm của các em. Tất nhiên, tôi cũng nhắc rằng, tác phẩm này, tác phẩm kia đã được người xem yêu thích và mua... Nhưng chúng tôi đều hiểu, đó chỉ là một cách mà những nhà hảo tâm muốn khích lệ các em. Tôi không dám ước các em sẽ làm nghệ thuật để kiếm sống. Việc các em đi học vẽ, học nặn chỉ là cái cớ để các em làm việc khác cho tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Tất cả những người khuyết tật theo suy nghĩ của tôi, khi được tạo cơ hội thì hoàn toàn có thể chung tay cùng những người bình thường khác tham gia, đóng góp, xây dựng cộng đồng; có thể bước đi bằng đúng đôi chân của mình. Và lúc đó họ sẽ không phải là gánh nặng với xã hội. Đó cũng là ý tưởng của dự án. Hiện nay đã có 3 em vào đại học. Một em làm đúng nghề: Học ĐH Sư phạm nghệ thuật TƯ; một em học Khoa Tâm lý ĐH XH&NV và đang cộng tác với Đài TNVN trong chương trình VOV giao thông về người khuyết tật...

Từ ý tưởng này, anh có ý định phát triển dự án sang các địa phương khác?

- Tất nhiên là tôi muốn nhân rộng mô hình này. Nhưng quan trọng là địa phương có quan tâm không? Không phải nơi nào cũng có điều kiện như Hải Dương. Đôi khi gọi điện muốn về tham quan hội người mù ở các địa phương, họ cứ bảo khó lắm, khó lắm. Tất cả chỉ vì không có kinh phí. Cũng chả trách được địa phương, mà cái chính là phải được sự quan tâm của cả cộng đồng, sự thay đổi tư duy của cả cộng đồng. Thực tế, phần lớn các bạn khiếm thị ở nhiều địa phương khác học phổ thông xong đi làm massage.

Nói hơi quá, nhưng ở đâu cũng nhan nhản massage người mù, mà trong số đó, chắc chắn có rất nhiều tài năng. Tôi không cho rằng, làm massage là không tốt, nhưng nếu được tạo cơ hội, các bạn ấy hoàn toàn có thể làm bất cứ việc gì mà các bạn ấy ước muốn và phù hợp với khả năng. Tất nhiên, cơ hội ấy không nhất thiết là học nghệ thuật, mà có thể là học nghề - nhiều nghề khác nhau. Và quan trọng hơn hết thảy là phải tạo cho các em cơ hội được tự tin, bình đẳng...

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Ngôi nhà nghệ thuật” đã thực hiện 4 cuộc triển lãm: “Ánh sáng từ bàn tay” (Triển lãm Hàng Bài); “Con đường nhân văn dẫn tới tình bạn và sự hiểu biết” (Thụy Điển); “Nghệ thuật vượt qua thị giác” (Bảo tàng Mỹ thuật); “Nghệ thuật kết nối tình bạn” (Dolphin Plaza).

( Nguồn : Lao động )