Quan tâm hơn đến người yếu thế trong phòng chống thiên tai

Ngày đăng: 29/05/2020 - 778 lượt đọc

Trong phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội (QH) chiều 28-5, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nêu những ý kiến thực tế liên quan đến an toàn tính mạng của người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số trước những ảnh hưởng tiêu cực, nguy hiểm của thiên tai.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh (Cà Mau). Ảnh: VTV.

Cụ thể, nữ đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm các đối tượng người yếu thế đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng dường như chưa phát huy hết khả năng, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ họ phòng tránh tai nạn, rủi ro, vượt qua khó khăn do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.

“Chúng ta có thể nghĩ đến việc bổ sung phát thanh viên, biên tập viên sử dụng ký hiệu ngôn ngữ trên các bản tin truyền hình, tăng cường cảnh báo bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Qua đây, trực tiếp thông tin, hỗ trợ người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số tự bảo vệ mạng sống trước những ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai”, đại biểu Trương Thị Yến Linh nói.

Dẫn các số liệu thống kê về tình trạng sạt lở, sụt lún ở tỉnh Cà Mau trong nhiều năm qua, đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng, tình trạng sạt lở, sụt lún không chỉ bắt nguồn từ mưa lũ hay dòng chảy như trong dự án Luật có nêu, mà nay còn là hệ quả tiêu cực từ hiện tượng hạn hán kéo dài.

Liên quan công tác quản lý quỹ và nguồn nhân lực phòng chống thiên tai trong dự án luật, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép thành lập cơ quan quản lý quỹ phòng chống thiên tai ở cấp huyện theo hướng kiêm nhiệm với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sẵn ở các địa phương. Đồng thời, cần tận dụng tối đa, triệt để các lực lượng tại chỗ ở cơ sở và quần chúng nhân dân địa phương.

“Dự án Luật cần nêu rõ những thành phần tham gia phòng chống thiên tai như: dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, các tổ chức, đoàn thể của địa phương... Ngoài ra, cần đặt họ dưới sự điều động của người có thẩm quyền, tránh việc huy động một lực lượng đông nhưng không có chỉ huy thích hợp, làm giảm sút hiệu quả phòng chống thiên tai”, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) lo ngại.

Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, quy định về quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ ở Khoản 2 Điều 33 dự án Luật cần được nghiên cứu, bổ sung nhằm tháo gỡ một số khó khăn trong công tác xử lý hậu quả thiên tai.

“Thực tế, lực lượng cán bộ ở cơ sở đã quá vất với vai trò chủ chốt trong trực tiếp xử lý, ứng phó với thiên tai. Nhưng ngay sau khi thiên tai vừa qua đi, họ lại lập tức phải xử lý công tác tiếp nhận hỗ trợ, ủng hộ dẫn đến quá tải”, đại biểu Trần Đình Gia nêu ý kiến.

“Việc phân định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp tiếp nhận quyên góp, phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ không chỉ là giải pháp phù hợp cho tình trạng nêu trên, mà còn góp phần xử lý công tác phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ một cách minh bạch, công bằng giữa các địa phương”, đại biểu từ Hà Tĩnh khẳng định.

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song