Người thương binh hỏng mắt với lời dạy của Bác

Ngày đăng: 27/07/2018 - 1615 lượt đọc

Ông là cố Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt nam, Thương binh hạng đặc biệt Trần Công Nhuận. Sớm có lòng yêu nước từ khi còn đang đi học, ông đã tham gia chiến sỹ tự vệ thành phố Hải Phòng ngay những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Sau nhiều năm lăn lộn trên các chiến trường, ông được chuyển về làm đốc công một công binh Xưởng sản xuất vũ khí của Quân đội.

 

nguoi-thuong-binh-hong-mat
Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956

Năm 1953, lúc đó ông tròn 30 tuổi, trong một lần đang cùng đồng đội nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên thì bất ngờ một hộp kíp nổ để gần đó đột nhiên phát nổ. Ông may mắn thoát chết nhưng tai nạn đã cướp đi của ông đôi mắt, bốn ngón tay trái và đôi tai không còn nghe rõ được như trước. Ông mê man trên giường bệnh hàng tháng trời, khi sức khỏe tương đối hồi phục tháng 7/1957, ông được chuyển về học tại Trường Thương binh hỏng mắt ở 139 phố Nguyễn Thái Học.

Đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956, Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt, Bác đã ân cần động viên: "Các chú học chữ, học nghề để sau này phục vụ nhân dân được tốt hơn, như vậy các chú tàn nhưng không phế." Tuy không có mặt trong ngày đón Bác về thăm Trường nhưng lời nhắn nhủ của Bác đã được ông khắc cốt ghi tâm, là lẽ sống của  ông trong suốt cuộc đời. Chỉ sau 3 tháng chăm chỉ học tập, ông đã sử dụng thành thạo chữ nổi, với trình độ văn hóa sẵn có từ trước ông lại trở thành thầy giáo để dạy cho những anh em có trình độ thấp hơn. Hồi đó chỉ có Trường Thương binh hỏng mắt dạy văn hóa bằng chữ nổi, nên một số người mù ở Hà nội say mê học tập đã tìm đến nhờ ông dạy. Những người mù đầu tiên được ông dạy chữ là anh Ngô Báu, chị Bạch Thu, chị Tuyết Minh... Sau đó, số người đến xin học cứ đông dần ông phải vận động thêm một số người có trình độ tham gia dạy học.

Khó khăn trong những ngày đầu tổ chức lớp học thì rất nhiều, những khó khăn của bản thân như thiếu bảng viết, đi lại không có người đưa dẫn thì anh em có thể tự khắc phục được nhưng khó khăn do những rào cản của xã hội mới thực sự nan giải. Như đầu năm 1960 ông đến Phòng Giáo dục khu phố Ba Đình xin cấp phép thành lập Trường chữ nổi Ba Đình, một lãnh đạo Phòng chân tình nói với ông: "Các anh tổ chức lớp học chúng tôi rất trân trọng nhưng hỏng mắt rồi có học nữa cũng chẳng để làm gì, khó khăn thì đã có Nhà nước trợ cấp, thôi các anh cứ nghỉ ở nhà cho đỡ mệt." Ông lại phải đi gõ cửa nhiều nơi, vừa bằng những việc làm thực tế vừa kiên trì thuyết phục. Sau cùng đề nghị của ông không những được lãnh đạo Phòng Giáo dục khu phố Ba Đình chấp thuận mà còn tạo điều kiện cho ông mượn một số phòng học tại Trường cấp I, II Phan Chu Trinh ở 40 phố Nguyễn Thái Học để ông mở lớp dạy học. Vào ngày 22 tháng 12 năm 1960, Trường Chữ nổi Ba Đình chính thức được thành lập.

Có những kỷ niệm sâu sắc về lòng nhân ái của Bác Hồ với người khiếm thị mà mỗi khi nhắc lại những ai đã từng học ở trường chữ nổi Ba Đình đều cảm thấy bồi hồi xúc động. Đó là vừa dạy chữ, ông Nhuận vừa tìm những công việc phù hợp như nắm than, dán hộp thuốc tiêm... để anh em có việc làm. Mùa Hè năm 1961, ông Nhuận có nhận giấy về để bồi bìa thuê cho một Công ty. Trong một lần chuyển kho giấy từ phố Trịnh Hoài Đức về địa điểm mới gần  Điếm canh đê Yên Phụ, hàng ngày anh em đẩy xe bò giấy đi qua Phủ Chủ tịch thì vô tình Bác quan sát được. Bác rất băn khoăn khi thấy người khiếm thị phải làm những công việc vất vả, Bác liền cử ngay cán bộ đến Trường Thương binh hỏng mắt để tìm hiểu.

- Ban Lãnh đạo Trường báo cáo “Việc này thì phải hỏi trực tiếp đồng chí Nhuận”.

- Khi được hỏi về bản thân, ông Nhuận trả lời: Nhớ lời Bác Hồ dạy "Tàn nhưng không phế" nên chúng tôi không thể chỉ ngồi yên để Nhà nước nuôi dưỡng. Việc gì còn có ích cho xã hội, cho đất nước thì chúng tôi vẫn làm.

- Khi được hỏi về Trường chữ nổi Ba Đình, ông Nhuận trả lời: "Người đi trước rước người đi sau", đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong khi chưa có cơ quan, đoàn thể nào đứng ra đảm nhận trách nhiệm này nên chúng tôi tự tổ chức để giúp đỡ nhau. Đời sống của người mù còn nhiều khó khăn lắm, ngoài việc đi học họ còn mong muốn có việc làm và có làm việc thì họ mới có tiền để tiếp tục đi học được.

Cán bộ về báo cáo với Bác, Bác chỉ thị cho Bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cần có kế hoạch giúp đỡ người mù. Một buổi tối Bác sĩ cùng một đoàn cán bộ Thành phố đến thăm Trường. Ông Nhuận trực tiếp báo cáo kết quả học tập và những khó khăn hiện nay của nhà trường. Vào thăm một lớp học Bác sĩ hỏi một cháu bé: Cháu thích gì nhất? Do xúc động cháu bé luống cuống trả lời: Thưa bác, cháu thích ăn kẹo ạ! Sau khi đến thăm Trường, Bác sĩ đã chỉ đạo Công ty xe điện miễn vé tầu cho tất cả người mù. Đến ngày tổng kết năm học, Bác sĩ Trần Duy Hưng đến dự và tặng Trường một số đồ dùng học tập, Bác sĩ ân cần thăm hỏi mọi người và  không quên mang theo nhiều bánh kẹo để tặng cho cháu bé và tất cả học viên. Cùng đi với Bác sĩ có đoàn văn công Hà nội đến biểu diễn phục vụ cho buổi tổng kết.

Vào dịp Tết Nhâm Dần 1962, cam trong vườn Bác ra trái đầu mùa, Bác gửi cam tặng Trường Thương binh hỏng mắt đồng thời Bác cũng gửi cam và 28 bảng viết Liên xô tặng cho Trường chữ nổi Ba Đình. Đặc biệt, một thời gian sau ông Nhuận vinh dự được Bác trao tặng huy hiệu của Người. Cho đến cuối năm 1964 giặc Mỹ leo thang chiến tranh cho máy bay ném bom bắn phá ác liệt miền Bắc nên Trường phải đóng cửa. Trường chỉ tồn tại trong 4 năm nhưng đã có trên 40 người mù được theo học chương trình bổ túc văn hóa cấp I. Đồng thời hoạt động của Trường đã gây được tiếng vang ngoài xã hội góp phần thúc đẩy việc thành lập Hội người mù Việt nam sau này.

Tuy là thầy giáo dạy chữ cho nhiều người nhưng ông Nhuận lại là một tấm gương sáng về lòng say mê học tập, nghị lực phấn đấu vươn lên. Cũng bằng chữ nổi ông đã tốt nghiệp khoa Văn Sử, Trường đại học Tổng hợp. Ông còn theo học lớp bồi dưỡng viết văn và có viết được một số truyện ngắn. Đặc biệt ca khúc "Tâm hồn sáng mãi" do ông sáng tác năm 1968, với âm hưởng hào hùng sôi nổi, giai điệu ca khúc như một hồi kèn xung trận thúc giục động viên người mù vâng lời Bác dạy hãy tiến lên vượt qua gian nan thử thách vì một ngày mai tươi sáng huy hoàng. "Tâm hồn sáng mãi" đã trở thành ca khúc truyền thống của Hội.

Ông thường căn dặn học viên: "Do hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nên có những ước mong của chúng ta chưa được Nhà nước đáp ứng. Trong khi chờ đợi các bạn hãy tập trung cho học tập. Các bạn như người đi tầu phải chuẩn bị sẵn sàng hành trang để khi tầu đến là khởi hành được ngay. Các bạn phải chờ tầu chứ đoàn tầu không chờ các bạn." Tháng 8 năm 1968, Nhà nước có chủ trương cho phép thành lập Hội Người mù Việt Nam, ông ở trong Ban trù bị thành lập Hội. Ông gửi thư thông báo cho các học viên ở các nơi trở về tham gia tuyên truyền vận động người mù vào Hội. Ngày 17 tháng 4 năm 1969, Hội Người mù Việt Nam được thành lập trong niềm hân hoan phấn khởi của đông đảo người mù.

Ông là Ủy viên BCH nhiệm kỳ I, Ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ II và III, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt nam nhiệm kỳ IV đồng thời là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù. Năm 2000 ông nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe có giảm sút nhưng ông vẫn tiếp tục viết sách, sáng tác thơ. Ông là một người rất tâm huyết với sự nghiệp người mù, ở bất kỳ vị trí công tác nào ông cũng dành hết tâm trí và thời gian cho phong trào Hội. Tuy xếp loại thương tật nặng nhưng ông luôn lạc quan yêu đời, ông sống giản dị, chân thành nên được rất nhiều cán bộ, hội viên mến phục.

Ông ra đi ngày 16 tháng 7 năm 2002, nhưng hình ảnh người thương binh hỏng mắt, người thầy giáo – cán bộ Hội - Trần Công Nhuận mãi mãi còn in đậm trong trái tim của những người đồng tật./.


Theo Hội Người mù Việt Nam

Mai Phạm (st)