Ông già bán báo "ăn xin" cho trẻ khiếm thị

Ngày đăng: 23/04/2015 - 1345 lượt đọc

Thứ năm, 23 Tháng 4 2015 08:26 Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc làm của ông, ngay cả vợ con cũng phản đối vì sợ bạn bè, người quen hiểu lầm là để bố ra đường ăn xin.

Cả cuộc đời mưu sinh bằng nghề bán báo, khi ở cái tuổi gần đất xa trời, ông lại dùng chính những món đồ nghề năm xưa: loa thùng, âm li… và cả tấm lòng, sự đồng cảm với trẻ em khiếm thị để kêu gọi quyên góp tặng quà tết cho những đứa trẻ không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng. Không chỉ đem lại niềm vui cho trẻ kém may mắn, ông còn cho mọi người thấy rằng còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái. Và giờ đây, ông lại tiếp tục công việc lặng lẽ của mình với những dự án nho nhỏ giúp cải thiện cuộc sống cho các em ở trường khiếm thị…

Hình ảnh ông lão ăn mặc lịch sự bên tấm biển gây hiếu kì cho nhiều người đi đường

Không khí Tết rộn ràng đã đi qua từ lâu nhưng người dân quanh khu vực ngã 3 Big C và khu ngã 4 đường vòng Vĩnh Niệm đến giờ vẫn không quên hình ảnh một cụ ông ăn mặc lịch sự, tay cầm máy ảnh, bên cạnh là thùng từ thiện bằng nhựa kèm theo chiếc loa thùng đã cũ luôn vang lên những bản nhạc mùa xuân rộn rã, tưng bừng. Người qua đường tò mò, lạ lẫm vì người đàn ông “lạ” bao nhiêu thì càng ấn tượng với tấm biển màu vàng bắt mắt ghi dòng chữ đơn giản: “Chương trình quyên góp 150 túi quà tết tặng người khiêm thị - mồ côi - cô đơn - bất hạnh”.Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Bất kể trời mưa nắng hay thời tiết giá lạnh, ông cụ vẫn kiên nhẫn ngồi đó, thong thả ngắm nhìn phố phường và thi thoảng chụp lại những khoảnh khắc đẹp bắt gặp trên đường. Người đàn ông "lạ lùng" đó chính là ông Phạm Hải Quyết (75 tuổi) ở phường Vĩnh Niệm, Lê Chân - nhân vật quen thuộc trong “giới” bán báo dạo của Hải Phòng từ nhiều năm nay. Bán báo dạo là công việc mưu sinh nhưng nhờ nó, ông được tiếp xúc với rất nhiều mảnh đời éo le trong xã hội để từ đó, ông nhận thấy mình còn quá may mắn và thôi thúc ông làm việc thiện ở cái tuổi gần đất xa trời này.

Ban đầu, không ít người hiếu kì đến xem, thậm chí, có người còn tưởng ông là ăn xin “kiểu mới”. Nhớ lại quãng thời gian đó, ông chia sẻ: Bản thân mình muốn làm việc có ích, nhất là tạo niềm vui bất ngờ cho những đứa trẻ khiếm thị nhưng điều kiện không cho phép. Vì vậy ông mới nghĩ ra cách kêu gọi quyên góp độc đáo đó. Ngày đầu tiên, ông thấy ngại vì sợ mọi người hiểu lầm mình đi xin, nhưng với tâm niệm: “Mình ăn xin cho bọn trẻ khiếm thị chứ có phải cho mình đâu” mà ông dần vượt qua định kiến, thậm chí truyền cảm hứng cho một số người cùng đi làm từ thiện. Suốt một tháng, cứ 8 giờ sáng, ông Quyết lại có mặt tại ngã tư, đến 11h thì thu đồ, về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi. Từ 3-5 giờ chiều, ông lại bắt đầu công việc một cách cần mẫn.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc làm của ông, ngay cả vợ con cũng phản đối vì sợ bạn bè, người quen hiểu lầm là để bố ra đường ăn xin. Nhưng với quyết tâm đem niềm vui cho những đứa trẻ bất hạnh, ông bỏ ngoài tai tất cả, cứ lặng lẽ làm công việc của mình. Chị Kiều Thị Hằng, con dâu trưởng của ông Quyết, tâm sự: "Lúc đầu, gia đình phản đối dữ dội vì việc làm thì tốt nhưng tuổi ông đã cao, ra ngoài đường ngồi vừa ảnh hưởng sức khỏe lại khiến nhiều người suy diễn không tốt. Nhưng thấy ông mỗi ngày xin được bao nhiêu đều vui vẻ khoe với các con, rồi cẩn thận xếp lại từng tờ tiền lẻ đổi thành tờ chẵn khiến mọi người cũng vui lây, không ngăn cản niềm vui tuổi già của ông nữa". Sự phản ứng của gia đình qua đi, ông được con cháu ủng hộ nhiệt tình và còn cử cháu trai đưa đón ông hàng ngày.

Ông Quyết phát quà cho các em khiếm thị bằng chính số tiền quyên góp được

Sau hơn một tháng, ông Quyết xin được 15 triệu đồng. Chiều 9-2, ông mang số tiền trên trao cho Ban giám hiệu Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng, thậm chí xuống đến lớp trao tận tay cho các em. Ông Nguyễn Văn Truyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi mới nhận lời đề nghị của ông Quyết, thầy cũng không chấp nhận do lo ngại tình trạng lợi dụng việc từ thiện để tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, thấy ông Quyết nhiệt tình, mục đích rõ ràng nên nhà trường đồng ý. Giờ đây, ông Quyết vẫn tâm huyết, đam mê sáng tạo những ý tưởng mới để giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em khiếm thị, đưa các em đến gần hơn với cộng đồng - xã hội.

Cái duyên với nghề bán báo

Gặp ông Quyết, được nghe ông kể về cái duyên đến với nghề bán báo dạo, nỗi nhọc nhằn và cả những kỉ niệm đáng nhớ của ông mới thấy rằng đây là cái nghề không chỉ tính lợi nhuận mà chính là nghĩa tình. Lăn lộn bao nghề từ công nhân Nhà máy thủy tinh Hải Phòng, buôn đồng nát, bán vật liệu xây dựng, cuối cùng ông Quyết gắn bó với nghề bán báo dạo mà với ông nó rất nhiều duyên nợ.

Ông kể: Trong một lần đi bán báo trên phố Trần Hưng Đạo, gặp hai cháu gái người Thái Bình rửa bát thuê cho một cửa hàng, chúng hỏi mượn ông tờ báo để tìm việc, chẳng tính toán, ông cho luôn hai đứa 1 tờ. Vài tháng sau, ông vô cùng bất ngờ khi hai cháu đến nhà cảm ơn ông vì nhờ có tờ báo ông cho lần trước mà chúng đã tìm được việc mới tốt hơn. Và đến bây giờ, chúng vẫn nhớ đến ông, vẫn nhắc lại như một “ơn nghĩa” cũ. Cảm động hơn, có hai mẹ con chạy đến ôm chầm lấy ông và khóc nức nở vì nhờ tờ báo ông mang đến mà vợ chồng họ “gương vỡ lại lành”…

Những kỉ niệm đó khiến ông gắn bó với nghề và giờ đây lại làm ông ấm lòng lúc tuổi già. Nhưng trên tất cả, nhờ nghề bán báo dạo, ông mới có dịp tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm thị thiệt thòi, và nhờ bộ đồ nghề cũ, ông thực hiện được tâm nguyện của mình, giúp chung có một cái tết ý nghĩa. Ngày ngày ông vẫn miệt mài với những việc thiện thầm lặng để giúp các em trường khiếm thị…

Minh Hương/ANHP