Thầy giáo mù của học trò khiếm thị

Ngày đăng: 19/06/2017 - 1807 lượt đọc

Với mỗi người, ai cũng mang trong mình hình ảnh tốt đẹp về người thầy tôn kính

Thầy Phạm Văn Sim kiểm tra bài của học trò.

Họ có thể là một thầy giáo làng tận tụy và trăn trở với nghề, một thầy giáo khiếm thị vượt lên số phận để tiếp sức cho những em có hoàn cảnh giống mình, cũng có thể là những quản giáo ở trường giáo dưỡng, những cô giáo ở các lớp học tình thương…Tất cả đều vì mục đích dạy bảo, uốn nắn những học trò của mình nên người, sống có ích cho xã hội.

Mang trên vai trách nhiệm một người thầy, đồng thời cũng là người đàn anh đi trước, những người thầy khiếm thị ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai đã và đang nỗ lực hết sức mình để giúp các em học sinh có hoàn cảnh kém may mắn như mình vượt qua mặc cảm và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Cây đời vẫn xanh
Chậm rãi từng bước chân đi ra từ lớp học, thầy Lưu Văn Thành (33 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) nắm chặt đôi bàn tay của chúng tôi, rồi kéo chúng tôi lại ngồi cùng với thầy ở chiếc ghế đá trong sân trường. Người thầy khiếm thị của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai nở nụ cười rất tươi rồi bắt đầu câu chuyện của bản thân mình.
Thầy Thành bị mù bẩm sinh. Năm 1995, thầy lên TP.Hồ Chí Minh để học tập tại trường đặc biệt dành cho người khuyết tật. Năm 2007, thầy chuyển về công tác tại trung tâm cho đến nay. “Tôi là người khuyết tật bẩm sinh nên tôi hiểu những gì các em ở đây đang phải trải qua. Ngày trước, có lúc tưởng chừng tôi suy sụp vì sự chọc ghẹo của bạn bè trong xóm, nhưng nhờ có những lời động viên, thúc giục của gia đình mà tôi quyết không từ bỏ. Đến khi tôi theo học ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.Hồ Chí Minh), có một người thầy đã khuyên tôi hãy theo nghề giáo, vì cùng là người khiếm thị, nên người thầy sẽ tìm được cách hướng dẫn phù hợp cho học trò của mình” - thầy Thành trầm tư kể lại nguyên cớ mình đến với nghề giáo.

Dạy những môn khoa học đời sống, tin học nên thầy Thành thường xuyên cập nhật internet để tìm phương pháp giảng bài mới, trao đổi kinh nghiệm với một số đồng nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh. Nói rồi, thầy Thành mở laptop, kết nối internet để “đọc” báo, trò chuyện với bạn bè trong sự bất ngờ của chúng tôi. “Phần mềm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính đã giúp ích cho tôi rất nhiều, không chỉ trong công tác giảng dạy, mà còn ở việc giao lưu kết bạn, chia sẻ vui buồn với những người có hoàn cảnh giống mình” - vừa mở giáo án điện tử, thầy Thành vừa trò chuyện với chúng tôi.
Thầy Phạm Văn Sim (40 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) bị mù và mất một tay do vô tình trúng mìn vào năm 16 tuổi khi thầy làm rẫy cùng gia đình ở huyện Long Thành. Sau chuyện đó, thầy Sim suy sụp rất nhiều, phải rất lâu sau đó mới chấp nhận mình đã trở thành một người khuyết tật.
Năm 1990, thầy Sim xin gia đình cho mình được lên TP.Hồ Chí Minh đi học tiếp. Dù gia đình hết mực ngăn cản, nhưng thầy vẫn quyết tâm đi. “Khi ấy, tôi nói với mọi người là tôi muốn được làm người có ích, muốn theo đuổi ước mơ làm thầy giáo từ thuở nhỏ. Sau nhiều ngày, tôi và các thầy cô giáo đang dạy tôi đến tận nhà thuyết phục thì gia đình đã đồng ý. Từ ngày gặp biến cố, những câu chuyện về cụ Đồ Chiểu, về thầy Nguyễn Ngọc Ký mà cha mẹ kể luôn là nguồn động viên để tôi có dũng khí thực hiện mơ ước của mình” - thầy Sim cho biết.
Khi đi học ở TP.Hồ Chí Minh, thầy Sim mới bắt đầu làm quen với chữ braille dành cho người mù. Chỉ có một bàn tay nên thầy phải ngày đêm khổ luyện để theo kịp chương trình học. Sau 3 năm học THPT, rồi 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học, thầy Phạm Văn Sim đã lấy bằng cử nhân sư phạm, được Sở GD-ĐT Đồng Nai tiếp nhận và phân công về giảng dạy tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh từ năm 1998 đến nay.
Bài học làm người
“Tôi bắt đầu học chữ braille một cách vô cùng khó khăn. Nhiều lúc muốn bỏ, nhưng rồi nghĩ lại, nếu như mình làm vậy thì lấy ai đồng cảm với những em học sinh khiếm thị như mình. Ở trung tâm, tôi dạy các em làm quen với chữ braille, cách viết, cách đọc, nhiều em khóc với tôi vì khó quá, không muốn học tiếp, tôi phải động viên, tìm mọi cách để giúp các em tiếp tục. Có những em giống như tôi, bị mù vì tai nạn hay bệnh tật, nên càng khó hơn trong việc học chữ, những việc các em từng làm rất nhanh chóng giờ đây lại trở nên khó khăn. Những lúc ra chơi, tôi tranh thủ tìm đến những em có hoàn cảnh giống mình để tâm sự, cùng giải tỏa những vui buồn trong quá trình học. Từ đó, tôi sẽ hiểu học trò mình hơn và tìm được cách tốt nhất giúp các em” - thầy Sim chậm rãi lấy cho chúng tôi xem những bài viết bằng chữ braille của các em lớp 1 ở trung tâm.

Thầy Lưu Văn Thành soạn giáo án tại nhà.

Mỗi lớp khiếm thị ở trung tâm có khoảng 5-10 em. Có em bị mù hoàn toàn, có em mắt bị đục, nhìn thấy mờ mờ phải đeo kính dày đến 1cm và khi đọc thì phải đưa cuốn vở sát mặt mới thấy được. Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều muốn học chữ, muốn trở thành người có ích cho xã hội. Học sinh của lớp khiếm thị nhiều em còn mang thêm những chứng bệnh quái ác khác, như động kinh… Do đó, trước mỗi buổi học, các thầy thường hỏi thăm tình hình sức khỏe của những em đó, rồi mới bắt đầu bài học.
Thầy Thành cho biết, sau mỗi buổi học, thầy thường kể cho các em học sinh nghe một câu chuyện về tình yêu thương con người mà thầy tìm được trên mạng, để giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống. “Tháng 5 vừa rồi, Nick Vucijic đến giao lưu ở Việt Nam, tôi đã tìm hiểu và kể câu chuyện về cuộc đời anh ấy cho các học sinh của tôi nghe. Em nào cũng muốn sau này mình được như Nick, trở thành biểu tượng về nghị lực sống của người khuyết tật. Tôi luôn động viên các em phải cố gắng học thật giỏi, bù đắp những khiếm khuyết cơ thể bằng kiến thức và vẻ đẹp của tâm hồn” - thầy Thành bộc bạch.
Không chỉ là người đứng lớp, thầy Thành và thầy Sim còn là người anh, người cha của những em nhỏ có gia cảnh khó khăn. Khi có em nào nghỉ học nhiều, các thầy lại trực tiếp đến nhà của từng em hỏi thăm gia đình, thuyết phục cha mẹ để các em được đi học. Các thầy đã lấy ngay chính bản thân mình để làm minh chứng cho nhiều bậc phụ huynh thấy rằng, người khuyết tật vẫn có thể thành công khi nỗ lực hết sức mình.

Theo Xã luận

Sưu tầm: Văn Triệu