Chuyện đời kỳ lạ của người đàn ông chỉ dài 60cm

Ngày đăng: 23/04/2015 - 974 lượt đọc

Thứ năm, 23 Tháng 4 2015 08:20 Sự lạc quan của Trịnh Thanh Sơn, người ngắn một mẩu, thân hình dị dạng, chân tay co quắp, hai mắt mù lòa, bại liệt toàn thân ở thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn, Thanh Hóa) làm cho mọi người ai cũng phải kinh ngạc và nể phục.

“Ông trời không lấy đi của ai tất cả mà cũng chẳng cho ai đủ mọi thứ, khi một cánh cửa khép lại đừng vội từ bỏ, ở đâu đó 1 con đường khác đang chào đón mình.

Tội gì không vui vẻ mà sống hả các chú. Cuộc đời ngắn chẳng tày gang, than trách làm gì cho uổng phí quỹ thời gian hạn hữu này.”

Bất hạnh nối tiếp bất hạnh

Không kinh ngạc làm sao được khi người mà cứ nghĩ là đã “bỏ đi”, “ăn bám xã hội” bởi suốt ngày nằm một chỗ trên chiếc giường cũ.

Vậy mà, anh lại đang rất hạnh phúc với vợ đẹp, con ngoan, kinh tế lại khá giả. Và còn là một ông bác sỹ thú y chân chất của bà con lối xóm.

Anh Sơn luôn tỏ ra lạc quan, tin tưởng

Sinh năm 1968, ngay từ khi chào đời Trịnh Thanh Sơn đã không có một mái ấm gia đình vẹn tròn như những đứa trẻ khác.

Mẹ mất, bố bỏ nhà đi biệt xứ, cậu bé Sơn khi ấy dù chưa được 5 tuổi đã trở nên lạc lõng giữa dòng đời.

May mắn, khi Sơn được đôi vợ chồng cùng thôn tên Trịnh Văn Toại và Đồng Thị Xuyên dang rộng vòng tay nhận nuôi, cho cậu bé lớn lên trong hơi ấm gia đình.

Ngày bé, Sơn cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí, thông minh vượt trội hơn hẳn so với chúng bạn cùng trang lứa.

Nhưng đến năm 9 tuổi, Sơn đột nhiên bị teo cơ viêm đa khớp, toàn thân co quắp lại, hai chân cứng đơ như gỗ, không thể co duỗi được.

Cùng năm ấy, nỗi đau nhân lên khi người cha, trụ cột trong gia đình chết vì bạo bệnh. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản trong gia đình tiêu tán để chạy chữa cho Sơn.

Thế nhưng, mấy chục năm trôi qua, người Sơn vẫn mãi chỉ được một mẩu, nằm duy nhất được một tư thế. Chỉ còn 2 cánh tay dị dạng, teo tóp đủ để xúc cơm ăn.

Cho đến năm 1996, đôi mắt của anh cũng không thể nhìn thấy gì. Kể từ đó, cuộc đời anh hoàn toàn chìm trong bóng tối.

Động lực lớn nhất của anh đó là người mẹ nuôi. Thấy bà quanh năm đầu tắt mặt tối, mà cơm vẫn độn sắn. Có miếng gì ngon đều nhường cho con.

Khi người chồng ra đi để lại gánh nặng quá lớn trên đôi vai người phụ nữ chân yếu, tay mềm.

Bao nhiêu bất hạnh đổ dồn lên số phận anh, song, Trịnh Thanh Sơn chưa 1 lần khóc cho riêng mình.

Nhưng hễ nghĩ về mẹ là anh thấy lòng nghẹn lại, nước mắt cứ thế chảy ra.

Anh nghĩ, cuộc đời thật không công bằng với đôi vợ chồng không con, nhận nuôi anh để nay mai tuổi già sức yếu có người trông cậy.

Ai ngờ đứa con ấy lại là gánh nặng làm oằn đôi vai mẹ, khiến cha nuôi ra đi vẫn nặng nỗi bất an.

Số phận như trêu đùa cay nghiệt, một lần nữa xô tới mái ấm mong manh của anh. Năm 2011, người mẹ già, điểm tựa tinh thần duy nhất đã bỏ anh ra đi mãi mãi.

Giữa cơn bão tố của cuộc đời, người ta dễ dàng từ bỏ, thả trôi tất cả vào hố đen thăm thẳm. Nhưng Thanh Sơn khác, anh đã biến đau thương thành hành động, vượt lên số phận để sống có ích.

Anh Sơn đang trò chuyện với PV

Chiến thắng số phận

Cuộc đời Sơn gắn bó với chiếc giường, làm bạn với chiếc đài cát séc cũ. Thông qua chiếc đài này mà Sơn mày mò, học hỏi được nhiều bài thuốc hay, học cách để làm giàu.

Điều khó nhất là chọn nghề gì phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Tính đi, tính lại, anh chọn cách nuôi gà.

Anh nhờ bà bế sang nhà bác họ để học cách nuôi gà, ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp.

Thân hình dị dạng nhưng Sơn lại có trí nhớ rất tốt, chỉ cần nghe qua là anh hiểu và ghi nhớ.

Được người bác chỉ bảo tận tình, anh nhớ từng chi tiết, từng công đoạn nhất là các loại bệnh về gà.

Về nhà anh kêu gọi anh em góp tiền mua lò ấp trứng, mở trang trại gà, ngan ngay tại nhà.

Dù 1 vài lần đàn gà bị dịch phải tiêu hủy nhưng cứ sau mỗi lần thất bại, anh Sơn lại rút ra được bài học đắt giá.

Đến nay, nhờ cách bố trí khoa học, theo dõi chặt chẽ trang trại của anh phát triển ổn định với 110 gà đẻ, 40 con gà gô, hàng trăm con gà thịt cho năng suất cao.

Một lò ấp trứng hoạt động thường xuyên, mỗi lần ấp được trên 5.000 trứng, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn ấp thuê cho bà con nhân dân trong làng ngoài xã.

Từ mô hình này, mỗi năm anh Sơn thu nhập 40 - 50 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm cho 3, 4 lao động với thu nhập ổn định.

Ngôi nhà của  Trịnh Thanh Sơn

Kinh doanh có uy tín cùng với nghị lực vươn lên của Trịnh Thanh Sơn khiến cho các mối hàng cứ ngày một tăng lên.

Thậm chí, nhiều người ở Ninh Bình, Nam Định cũng tìm về nhờ Sơn cung cấp con giống.

Nếu vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh, chỉ cần alo nói triệu chứng là Sơn có thể chỉ ra loại thuốc phòng, chữa rất hiệu quả.

Thế là Thanh Sơn trở thành "bác sỹ thú y" được khách hàng rất tin tưởng từ đó.

Hạnh phúc vỡ òa

Nằm một chỗ nhưng Thanh Sơn lại am hiểu rất nhiều lĩnh vực khác nhau, quen biết rộng, khiếu ăn nói hài hước.

Không ít người đem lòng nể phục, mỗi khi có dịp đều ghé thăm nhà để giao lưu, trò chuyện. Qua điện thoại mà nhiều cô đã xiêu lòng chỉ mong có cơ hội gặp gỡ.

Vợ chồng anh Sơn, chị Nhung đang rất hạnh phúc

Trong số những người phụ nữ ấy, cô gái có tên Vũ Thị Tuyết Nhung (SN 1983) làm công nhân ở Hà Trung khiến Sơn chú ý hơn cả.

Chẳng biết trời xui đất khiến hay duyên nợ từ kiếp trước, mà Sơn sau 3 ngày trò chuyện, chị Nhung vượt đường tìm tới tận nơi.

Dù biết hình hài Sơn như vậy, nhưng cảm phục nghị lực sống của anh, chị đã gật đầu đồng ý.

Để đi đến được hôn nhân 2 anh chị cũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trắc trở, nhất là sự phản đối kịch liệt của gia đình chị Nhung.

Nhưng bằng tình yêu, sự cảm thông chia sẻ một đám cưới đầm ấm được diễn ra.

Trong căn nhà ba gian, rộng rãi tràn ngập tiếng cười chuẩn bị đón thêm thành viên mới, bởi chị Nhung mang bầu sắp tới ngày sinh. Với anh Sơn hạnh phúc này như một giấc mơ.

Chia tay vợ chồng anh Sơn khi những tiếng cười, tiếng trò chuyện còn chưa dứt.

Chúng tôi lòng đầy thán phục một con người với thân hình nhỏ, gầy còm, tay chân teo tóp, đôi mắt mù lòa luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai.

Theo Công lý