Ánh sáng cho người khiếm thị

Ngày đăng: 23/08/2018 - 1206 lượt đọc

Bài viết là những câu chuyện xúc động về Hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Tin học Tia Sáng, Hà Nội khi đến với CNTT cùng các mơ ước hiện nay của anh.

Nếu ai đã từng nghe thấy chuyện một người khiếm thị sử dụng máy tính, lướt web, thậm chí hướng dẫn một người sáng mắt cài phần mềm, soạn nhạc, ghép nhạc…, người đó chắc hẳn sẽ cho rằng đó chỉ là câu chuyện vui. Nhưng với Hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân, Giám đốc Trung tâm tin học Tia Sáng Hà Nội, đơn vị đoạt giải thưởng "ICT thắp sáng niềm tin 2007", đây là điều hết sức bình thường.

Nhân ngày “Người khuyết tật Việt Nam” 18/4/2010, xin cùng chia sẻ với Khúc Hải Vân về những buồn vui khi theo đuổi nghề CNTT.

Khúc Hải Vân (áo comple vàng nâu) và các bạn khiếm thị.

"Tôi là người lạc quan, may mắn trong số những người kém may mắn"

"Sinh năm 1982 (Nhâm Tuất) nên nhiều bạn bè gọi tôi là "cún béo", Khúc Hải Vân tự giới thiệu về mình. "Cha mẹ tôi mở quán cơm để mưu sinh. Cuộc sống của tôi không sung túc nhưng đầy tình yêu từ gia đình. Từ bé, mắt không nhìn được nhưng với cây gậy trong tay, tôi có thể đi bất cứ đâu nhờ thính giác và khứu giác định vị", Hải Vân nói.

"Tôi thực sự may mắn vì đã được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi có nhiều điều kiện phát triển, được hưởng thụ hầu hết các chính sách và sự quan tâm của xã hội dành cho người khuyết tật", Hải Vân nói tiếp. Trong những năm qua, nhận thức xã hội về người khuyết tật ở nhiều thành phố, đô thị lớn trong nước được cải thiện, sự quan tâm chăm sóc của xã hội với những người khuyết tật và các hoàn cảnh khó khăn càng được thể hiện rõ rệt. Theo anh, đây là điều may mắn lớn nhất.

Những bạn khuyết tật sống xa các trung tâm đô thị, nơi nhận thức xã hội về người khuyết tật còn hạn chế sẽ khó khăn hơn anh rất nhiều. "Hồi làm ở Trung tâm Phục hồi chức năng của Hội Người mù Việt Nam, tôi từng gặp những bạn 20 tuổi rồi mà vẫn chưa hề biết thế nào là ghép vần. Rồi còn những cảnh người khuyết tật xin học ở các trường THCS, PTTH bị từ chối, chuyện có những bố mẹ không muốn con cái tiếp xúc với người đồng cảnh, đồng tật, và cả những kỳ thị trong giao tiếp sinh hoạt nữa. Nói ra buồn lắm", Hải Vân kể.

"Chỉ nghĩ lại những điều đó, tôi đã thấy mình hạnh phúc và may mắn lắm", Vân nói. Anh có một gia đình ấm áp, những người bạn chân thành với mong muốn tổ chức những chương trình hữu ích cho cộng đồng, có thể làm những điều mong muốn là  sáng tạo, chia sẻ...

Đến với máy tính

"Tôi được đi học và mơ ước vào ĐH. Khi còn đang ôn thi, chiếc máy đánh chữ nổi bị hỏng nên tôi đã được một người bạn giới thiệu cho máy tính. Lần đầu tiên chạm vào bàn phím, tôi đã hiểu rằng đây chính là chiếc máy thay đổi cuộc đời mình", Hải Vân nhớ lại. Lần đầu thi ĐH, anh không đậu. Anh quyết định dành trọn thời gian 1 năm tập trung vào tin học. Khiếm thị bẩm sinh nên việc học tập thật không dễ dàng. "Người bình thường thấy khó khăn một thì những người như tôi thấy khó khăn mười", anh nói.

Hầu hết người sử dụng máy tính đều phải biết qua tiếng Anh. Những người khiếm thị cũng không ngoại lệ. Để luyện tiếng Anh, Hải Vân không ngần ngại túm lấy bất cứ ông tây bà đầm nào ở Bờ Hồ để được nghe nói tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh đã kha khá, anh bắt đầu tìm hiểu các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị cài trên máy tính...

CNTT – ánh sáng diệu kỳ

Bạn bè vẫn trêu tôi là dùng máy tính không cần màn hình, đỡ tốn điện. Nói vui nhưng đúng là người khiếm thị chủ yếu dựa vào việc lắng nghe các thông tin phát ra từ loa bởi người khiếm thị sử dụng công cụ đọc màn hình. Đây là một loại phần mềm được cài đặt vào hệ thống, hoạt động theo nguyên lý quét và giải mã các ký tự dạng text sang âm thanh, theo điểm dừng của con trỏ. Hiện có khá nhiều các công cụ đọc màn hình được tích hợp và ứng dụng cho các hệ điều hành trên thế giới. Nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhiều nhất trên thế giới là phần mềm JAWS. Có thể nói những phần mềm này là cầu nối ánh sáng đối với những người khiếm thị.

Sau một thời gian tiếp xúc với máy tính, Hải Vân thấy mình đã tìm thấy ánh sáng qua những nút phím và con chuột máy tưởng như vô hồn. Mày mò nhiều, khó khăn nhiều nhưng cuối cùng anh đã gặp được người bạn Phạm Sơn Hà và bắt đầu làm quen với các phần mềm chuyên dụng dành cho người khiếm thị. Những bước chập chững đầu tiên với JAWS đã qua rất nhanh và sau đó là những ngày say mê với máy tính đến tận đêm.

"Với máy tính, tôi được “nạp” biết bao thông tin, tôi được lang thang trên biết bao con đường, mảnh đất, được giao lưu với các nền văn hoá mà bằng đôi chân của mình tôi biết sẽ chẳng bao giờ tôi đến được. Trên thế giới mạng, tôi tìm thấy ánh sáng của thông tin và tri thức, tôi hình dung ra những thứ mà đôi mắt thật của mình không thể mang lại cho tôi. Quan trọng hơn nữa, chiếc máy tính mang lại cho tôi một nghề và công việc giúp tôi kiếm sống phục vụ chính bản thân mình", Hải Vân kể tiếp.

Kiếm sống nhờ CNTT

Với vốn kiến thức tích luỹ cùng sự trải nghiệm của người khiếm thị, Hải Vân với Sơn Hà đã có chung ý tưởng thành lập một trung tâm đào tạo tin học cho người khiếm thị. "Tôi biết là thế giới này còn nhiều người giống tôi và Hà", anh nói và tiếp: "Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với CNTT. Chúng tôi muốn chia sẻ, mang lại ánh sáng cho những người cùng cảnh ngộ. Xa hơn, chúng tôi kỳ vọng CNTT sẽ giúp cho những người khiếm thị có thể tự sống bằng chính sức mồ hôi, lao động của mình. Có thể chúng tôi không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng sức sáng tạo, năng lực cùng sự quyết tâm của chúng tôi sẽ mang lại điều kỳ diệu. Đây vẫn luôn là mong muốn, trăn trở của chúng tôi".

Những tháng ngày đầu tiên thật chẳng dễ dàng. Hải Vân đến từng trung tâm, cửa hàng tin học để xin thực hành cài đặt phần mềm nhưng chỉ nhận được những lời từ chối. "Có lúc thấy cũng nản nhưng nghĩ đến còn bao người đang kém may mắn hơn mình, chúng tôi lại tiếp bước", anh chia sẻ. Cuối cùng, nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng bằng thành quả là hàng trăm người khiếm thị đã được trang bị kiến thức cơ bản về tin học, có thể tìm cho mình một công việc để lập thân.

Sau nhiều thăng trầm và khó khăn, Trung tâm Tia Sáng ra đời vào giữa năm 2005. Nhiều năm qua, Trung tâm Tia Sáng đã mở ra cánh cửa, dẫn dắt biết bao học viên khiếm thị tiếp cận kho tàng tri thức qua CNTT. "Chúng tôi thấy hạnh phúc vì từ mô hình này, tại các tỉnh thành, đã có thêm rất nhiều trung tâm dạy tin học cho người mù khác ra đời. Bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh có 1 phần tay tôi đóng góp. Chúng tôi gấp rút hoàn thành việc chuyển đổi bộ giáo trình này sang công nghệ Daisy Book (sách điện tử kỹ thuật số dễ tiếp cận cho người khuyết tật)", anh kể.

Trăn trở với nghề

Không phải ai cũng có thể kiếm sống hoàn toàn bằng CNTT. Bây giờ người ta hay nhắc đến cụm từ CNTT như một “thú chơi sang”. Có tư duy cho rằng người khuyết tật tiếp cận với CNTT như là một nghề nghiệp. Điều này có lẽ chỉ đúng với một số ít người có khả năng, sáng tạo vì đã là một nghề thì người ta phải có đủ khả năng khai thác được những tiềm năng của nghề đó, phải có đủ điều kiện để cạnh tranh với mọi người bằng nghề của mình. Việc này chỉ có một số ít người có thể làm được. Nghĩa là, CNTT chỉ có thể là nghề với một số ít người khuyết tật, còn với phần lớn người khiếm thị, CNTT giống như một công cụ trợ giúp công việc thì đúng hơn. Ví dụ, với máy tính, ĐTDĐ, người ta có thể trao đổi thông tin trên mạng, soạn thảo, biên tập văn bản… nhưng rất ít người có thể sử dụng máy tính để viết web, hay làm những công việc chuyên môn khác. Đặc biệt với người khiếm thị, thì điều này càng trở nên khó khăn.

Đặc thù của người khiếm thị là không thể hình dung, và có tư duy tổng quát, nên việc sử dụng máy tính để làm các công việc liên quan đến hình ảnh, bố cục, hay các hoạt động khác liên quan đến tư duy trừu tượng là rất khó. Tuy vậy, máy tính vẫn có thể xem là một công cụ hữu ích với người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Thông qua máy tính và Internet, người khiếm thị được đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, chia sẻ và tìm hiểu kiến thức. Qua đó, giúp người khiếm thị tìm kiếm những cơ hội, nâng cao nhận thức và cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là không thể không làm được. Thực tế đã chứng minh nhiều người khuyết tật và người khiếm thị đã dần dần kiếm được tiền dựa vào mồ hôi, công sức của mình nhờ vào CNTT. "Trung tâm Tia Sáng của chúng tôi luôn nỗ lực cung cấp kỹ năng, tri thức và những hành trang ban đầu cho những người cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, để hoàn toàn tự nuôi sống bản thân vẫn còn là việc làm xa nữa mới thực hiện được", Hải Vân nói.

Những ước mơ...

Thông qua CNTT, cộng đồng cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc chia sẻ và đưa ra những chương trình hành động trợ giúp tích cực để hỗ trợ người khuyết tật phát triển. Cách đây hơn 3 năm, Hải Vân được biết đến chương trình 10.000 máy tính thương hiệu Việt Nam dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, có thể nói, chương trình với những ý tưởng tốt đẹp, tưởng dễ làm như cái tên "nhắn tin nhân ái" đã gần 3 năm vẫn chưa hoàn tất được... "Vẫn biết đất nước còn khó khăn, mỗi người còn đang đối mặt với biết bao vất vả và sức ép thì giờ từ cuộc sống hiện đại. Giá như, mỗi người trong chúng ta có thể giành lại một chút thời gian, tâm sức, của cải... bù đắp cho những khó khăn, mất mát trong số phận xã hội  thì 10.000 máy tính hoặc hơn cho người khuyết tật cũng không phải mục tiêu quá xa", Vân ao ước.

"Mỗi năm, cứ đến dịp ngày 18/4 này, tôi đều mang một tâm trạng của người đứng trước Giao thừa chờ đón những vận hội mới. Ngày 3/12 là ngày của sự chia sẻ trên toàn thế giới. Chỉ có ngày 18/4 này là cho người khuyết tật Việt Nam. Tôi cầu mong cho sự chia sẻ giữa người khuyết tật và cộng đồng ngày càng được đẩy mạnh, CNTT sẽ trở nên một công cụ hữu ích để khoảng cách giữa chúng ta là ngắn nhất. CNTT là con đường đầy ắp ánh sáng của tôi", Hải Vân khát khao.

                                                                                                                                                                    Theo Thế giới máy tính

                                                                                                                                                                           Phạm Mai (st)