Đào tạo nghề Xoa bóp bấm huyệt cho người khiếm thị - những thách thức và thành quả đáng ghi nhận.

Ngày đăng: 01/10/2019 - 4727 lượt đọc

Trong nhiều năm qua, Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù trực thuộc Hội Người mù Việt Nam luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề Xoa bóp bấm huyệt cho người khiếm thị và coi đây là giải pháp hiệu quả giúp người khiếm thị phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.


Toàn cảnh một lớp học nghề Xoa bóp bấm huyệt cho người khiếm thị

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng gần hai triệu người mù và thị lực kém chiếm xấp xỉ 2% dân số, trong số đó có khoảng 30% người mù có việc làm, số còn lại rất cần được hỗ trợ, giúp đỡ để được học nghề, tạo việc làm, góp phần tự tin hơn trong cuộc sống.

Hiểu được nhu cầu học nghề, việc làm của người khiếm thị là vô cùng cần thiết, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, sự hỗ trợ tạo điều kiện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù đã liên tục mở các lớp dạy nghề xoa bóp bấm huyệt cho lao động là người khiếm thị trong cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề cho người khiếm thị, Trung tâm gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên đến từ chính người học. Học viên đến học nghề tại Trung tâm ở nhiều độ tuổi khác nhau, người trẻ tuổi từ 17 đến 25 chiếm tỉ lệ 40%, còn lại là độ tuổi trung niên từ dưới 30 đến 50, thậm chí có nhiều học viên ngoài 50, 60 tuổi. Trình độ văn hóa của học viên khiếm thị cũng không đồng đều, số lượng học viên mù chữ và tốt nghiệp tiểu học vẫn ở mức cao chiếm 40%, còn lại rất ít học viên tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chính sự chênh lệch về độ tuổi và trình độ văn hóa này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu bài của học viên cũng như công tác quản lý và giảng dạy và của giáo viên.

Một tiết học thực hành của lớp đào tạo Kỹ thuật viên Xoa bóp bấm huyệt tai Trung tâm Đào tạo - PHCN cho Người mù

Do hạn chế về tầm nhìn cũng như hạn chế về trình độ nhận thức của học viên, nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên không thể áp dụng phương pháp như đối với học viên sáng mắt. Với mỗi giờ học thực hành, giáo viên đều phải hướng dẫn từng động tác cho từng nhóm nhỏ, thậm chí cho từng học viên và ưu tiên dành nhiều thời gian cho các giờ học thực hành. Phương pháp dạy chủ yếu là cầm tay chỉ việc, và phải dạy đi dạy lại nhiều lần để đảm bảo hầu hết học viên đều nắm được lí thuyết cũng như được thực hành ít nhất một lần. Điều này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, tâm huyết nhiệt tình và yêu thương học viên.

Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, Trung tâm còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh do các cấp hội địa phương chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu học tập của hội viên, chưa hiểu đúng tâm tư nguyện vọng của hội viên. Tình trạng học viên nhập học không đúng đối tượng hay học viên xin rút khỏi danh sách sát tới ngày nhập học thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đào tạo của Trung tâm.

Bên cạnh đó, kinh phí đào tạo cũng là một trong những thách thức không nhỏ mà Trung tâm đang phải đối mặt. Trước đây, Trung tâm vẫn thường xuyên nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm từ ngân sách nhà nước thông qua Hội Người mù Việt Nam. Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, do những thay đổi về chủ trương, chính sách đối với các tổ chức hội trong đó có Hội Người mù Việt Nam mà Trung tâm là đơn vị trực thuộc nên nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động hàng năm của Trung tâm đã bị cắt giảm đáng kể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đào tạo nghề của Trung tâm.

Khó khăn trong dạy nghề cho người khiếm thị luôn là những băn khoăn trăn trở của lãnh đạo Trung tâm qua nhiều thời kỳ. Bên cạnh đó, tạo việc làm, duy trì việc làm cho người khiếm thị để họ phát huy những kiến thức đã học; để họ có việc làm, có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là những quan tâm ban lãnh đạo Trung tâm mong muốn hướng tới.

Thạc sĩ Phạm Xuân Trường, giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù cũng là người khiếm thị, bản thân ông cũng trải qua bao khó khăn, vất vả để có cơ hội được đi học, tìm được việc làm phù hợp nên rất thấu hiểu và cảm thông cho những người khiếm thị, bởi họ luôn có tâm lý tự ti, mặc cảm, sợ bị kỳ thị, vì vậy rất hạn chế trong việc học nghề và tìm việc làm.

Ví như chị Hứa Thị Dịu – một học viên lớn tuổi, người dân tộc Tày, đến từ Hội Người mù tỉnh Bắc Kạn, khi được tiếp nhận vào học nghề xoa bóp bấm huyệt tại Trung tâm, chị cũng còn nhiều mặc cảm, tự ti, bản thân bị mù từ nhỏ, chưa từng đến trường, tiếp xúc xã hội rất hạn chế, lúc mới nhập học, chị tính bỏ cuộc về quê mấy lần. Song nhờ có sự quan tâm, động viên của Ban Giám đốc Trung tâm, sự giảng dạy chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo và sự giúp đỡ của bạn bè đồng tật, chị cố gắng theo học, đến nay đã thành nghề và đang làm xoa bóp tại cơ sở xoa bóp bấm huyệt tư nhân tại Bắc Ninh hơn hai năm nay, mức thu nhập hiện tại của chị là 200.000 - 250.000 đồng/ngày, tương đương hơn 6 triệu đồng/tháng và chị còn có thể hướng dẫn, trợ giúp cho những người mới học nghề.

Hay như anh Hoàng Văn Phụ, sinh năm 1976, người dân tộc Cao Lan, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, thời gian đầu mới đến học tại Trung tâm, anh rất ngại tiếp xúc với mọi người, dường như mọi hoạt động của anh chỉ gói gọn từ ký túc xá Trung tâm đến lớp học, nhà bếp và ngược lại. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sau đó, nhờ có sự đồng cảm chia sẻ của thầy cô bạn bè trong lớp, anh mạnh dạn tự tin hơn, chủ động học hỏi từ bạn bè thầy cô nhiều hơn. Sau khóa học, anh đã tìm được việc làm tại cơ sở massage tư nhân tại Vĩnh Phúc với mức thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và hỗ trợ thêm cho gia đình. Trước đây, anh Phụ sống dựa vào gia đình, có được công việc ổn định như bây giờ giống như một giấc mơ mà trước đây anh và gia đình chưa từng nghĩ đến. Học nghề và đi làm đã mang đến cuộc sống mới cho anh. Anh không còn mặc cảm và tự ti nữa.

Anh Phụ, chị Dịu là hai trong số hàng trăm những học viên khiếm thị đã tìm được niềm vui và động lực sống cho mình sau khi tham gia các khóa học nghề tại Trung tâm.

Khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng biết được sau khi học nghề tại Trung tâm, các em học viên khiếm thị đều tìm được công ăn việc làm ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng là tập thể cán bộ giáo viên công nhân viên Trung tâm lại thấy ấm lòng, sẵn sàng quên đi khó khăn mà họ đang phải đối mặt và tự nhủ phải cố gẵng nỗ lực nhiều hơn nữa vì hạnh phúc của người khiếm thị.

Niềm vui có được việc làm của người khiếm thị chính là động lực để Trung tâm vượt qua mọi thử thách khó khăn tiếp tục công việc đầy ý nghĩa nhân văn của mình. Những thành quả mà Trung tâm có được hôm nay không chỉ được thể hiện ở những tấm huân huy chương do nhà nước và chính phủ trao tặng, mà còn được đền đáp xứng đáng bằng chính những thành công của các em học viên. Trong số các học viên tốt nghiệp từ Trung tâm, có rất nhiều tấm gương điển hình vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi từ nghề massage. Điển hình như trường hợp anh Đặng Thế Thu, tốt nghiệp khóa KTV Xoa bóp bấm huyệt K62 đến từ Ba Vì Hà Nội. Từ hai bàn tay trắng lúc mới khởi nghiệp, đến nay anh đã sở hữu hai cơ sở masage một ở Nghĩa Tân Hà Nội, một ở quê nhà Ba Vì, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động là người khiếm thị, thu nhập bình quân mỗi người 6 -7 triệu đồng/tháng, lợi nhuận mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Mặc dù là chủ cơ sở nhưng anh vẫn là lao động chính trực tiếp phục vụ khách hàng.

Ngoài anh Thu, cơ sở Tẩm quất xoa bóp của chị Phương đến từ Nam Định, cơ sở Tẩm quất xoa bóp của vợ chồng anh Trung Uyển ở Ba Đình, Hà Nội cũng rất phát triển, với quy mô lớn hơn 20 nhân viên với hơn 2000 lượt khách/tháng cho tổng thu nhập gần 1 tỷ mỗi năm trừ hết mọi chi phí.

Những lợi ích to lớn về mặt kinh tế mà nghề massage mang lại cho cuộc sống của người khiếm thị là điều không cần bàn cãi. Bên cạnh đó, những lợi ích về mặt chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho cộng đồng cũng mang lại ý nghĩa hết sức to lớn.

Điều trị bệnh bằng phương pháp Xoa bóp bấm huyệt

Theo y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt được coi là phương pháp điều trị không dùng thuốc, không chỉ giúp khách hàng thư giãn, tăng cường sức khỏe, phòng bệnh tốt mà còn có tác dụng điều trị hiệu quả nhiều bệnh như: các bệnh cơ xương khớp, đau cổ – vai – gáy, mất ngủ, đau nửa đầu, tê chân, táo bón… Thực tế, đã có rất nhiều người bệnh được chữa khỏi bệnh nhờ phương pháp xoa bóp bấm huyệt cổ truyền.

Chính sự thành công của những cở sở massage cũng như những giá trị về chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà nghề massage mang lại đã đưa thương hiệu massage của người khiếm thị có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hơn thế nữa, đó cũng chính là nơi hỗ trợ tạo công ăn việc làm ổn định cho những người khiếm thị.

Với quyết tâm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, tự tin hơn cho những người khiếm thị, hơn 20 năm qua, Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù đã đào tạo nghề miễn phí được 80 khóa học cho gần 6000 lượt người khiếm thị (trong đó có 48 khóa đào tạo nghề massage cho hơn 1000 lượt người khiếm thị) trong cả nước. Học viên đến học tại Trung tâm được miễn phí hoàn toàn từ học phí, học cụ và được ăn ở miễn phí tại ký túc xá Trung tâm. Ông Phạm Xuân Trường cho biết thêm: “Nếu không có cái tâm, lòng nhiệt tình và không kiên trì thì không thể hoàn thành tâm nguyện”  bởi vì sức khỏe, trí tuệ, khả năng tiếp thu nghề và duy trì làm nghề của người khiếm thị rất nhiều hạn chế, tâm lý của họ cũng thường xuyên thay đổi.

Nhằm bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới nhất trong nghề xoa bóp bấm huyệt cho các học viên, góp phần giúp các học viên nâng cao tay nghề, tiến tới đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, ngoài việc liên kết đào tạo với Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức các khóa xoa bóp bấm huyệt cổ truyền, Tác động cột sống – Xoa bóp bấm huyệt nâng cao, Trung tâm còn mời Doanh nghiệp xã hội Kết nối người khiếm thị Blind Link, Trung tâm dạy nghề cho người mù của một số nước trong khu vực Châu Á, các giáo sư bác sĩ chuyên ngành Xoa bóp vật lý trị liệu của các nước trên thế giới như Pháp, Nhật, Hàn Quốc đến để trao đổi kinh nghiệm và tập huấn các trường phái massage khác nhau như Tinh dầu (Thụy Điển), massage Pháp, Nhật và Hàn Quốc cho giáo viên và học viên của Trung tâm. Từ các lớp tập huấn đó, Trung tâm cũng chủ động mở các lớp Massage với nhiều trường phái khác nhau cho học viên như Massage Chân, Massage Nhật Bản, Massage Tinh dầu (Thụy Điển).

Bên cạnh việc học tập những kiến thức kỹ năng để trở thành một kỹ thuật viên Xoa bóp bấm huyệt lành nghề, Trung tâm còn đưa chương trình Tiếng Anh giao tiếp trong lĩnh vực massage vào giảng dạy để giúp học viên có thể tự tin phục vụ đối tượng khách hàng là người nước ngoài.

Song song với việc đào tạo các khóa học massage, Trung tâm cũng mở phòng dịch vụ massage phục vụ khách hàng trên địa bàn là dân văn phòng và người bệnh bị đau mỏi xương khớp. Phòng dịch vụ massage là nơi tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một số anh chị em học viên sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập ổn định từ 6 đến 8 triệu mỗi tháng, đó cũng là nơi để anh chị em học viên thực hành trong quá trình học nghề tại trung tâm. Ngoài ra, nguồn thu từ phòng dịch vụ massage cũng giúp Trung tâm giải quyết phần nào khó khăn về kinh phí ở thời điểm hiện tại.

Phòng Dịch vụ Massage của Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù

Với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, của Hội Người mù Việt Nam, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ giáo viên và công nhân viên, Trung tâm thực sự là mái nhà nhân ái, địa chỉ tin cậy đối với người mù trong cả nước. Dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho những người khiếm thị trong xã hội là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là minh chứng của sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người khiếm thị cải thiện cuộc sống, giúp họ vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng, để họ có thể thực hiện ước mơ được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác, tạo môi trường thân thiện để người khiếm thị phát huy khả năng của mình, đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khiếm thị vươn lên tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Để tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho người khiếm thị được học nghề và có việc làm, theo ông Phạm Xuân Trường, rất cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành liên quan. Trong đó, chú trọng tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khiếm thị có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội để nâng cao đời sống, giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tính đặc thù của một số nhóm người khuyết tật trong đó có người khiếm thị nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho họ được học nghề, tạo việc làm và đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Phạm Mai