Hạnh phúc trong bóng tối mù lòa

Ngày đăng: 25/11/2013 - 762 lượt đọc

Anh và chị không đến từ cùng một miền quê nhưng tình yêu đẹp được vun xới trong suốt 9 năm trời đã mang họ đến với bến bờ hạnh phúc. Sớm chịu thiệt thòi vì mất đi ánh sáng nhưng vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, anh chị đã làm chủ cuộc sống mình và tự tin xây dựng một sự nghiệp vững chắc.

Chị là Đinh Việt Anh (35 tuổi, quê Hà Tĩnh), hiện làm Tổng Biên tập Tạp chí Đời Mới của TW Hội Người mù Việt Nam, kiêm Trưởng ban Công tác phụ nữ, trẻ em. Còn anh là Phạm Xuân Trường (38 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội) đang là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người khiếm thị (thuộc TW Hội Người mù Việt Nam. Họ đã vượt lên số phận để tìm cho mình được ánh sáng của cuộc đời.

Chung một số phận

Phạm Xuân Trường là con cả trong 5 anh em nhưng có tới 3 người đều bị khiếm thị. Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng tới năm 3 tuổi thì đôi mắt của anh dần mất đi ánh sáng. Thương con, bố mẹ đã chạy vạy vay mượn đưa anh lê khắp các bệnh viện những mong tìm lại ánh sáng cho cậu con trai nhưng cuối cùng họ cũng đành phải lắc đầu chịu thua trước số phận.

Những tưởng cuộc đời sẽ khép lại với Trường nhưng không phải vậy. Đến tuổi tới trường, thấy bạn bè sáng sáng í ới gọi nhau đi học, Trường cũng nhấp nhổm không yên. Anh nằng nặc đòi mẹ cho đến trường đi học. Đôi mắt yếu dần rồi mờ hẳn nhưng không vì thế mà mà Trường ngừng cố gắng học tập. Sau đó không bao lâu 2 người em cũng mất đi ánh sáng với cùng chung một kết luận từ bác sĩ “thoái hóa sắc tố võng mạc hai mắt, không thể cứu chữa”.

Với một gia đình thuần nông, cuộc sống đã chẳng mấy dễ dàng thì nay lại chồng chất khó khăn khi lần lượt con cái đều mù lòa. Đến tuổi cắp sách tới trường, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, anh khao khát được đến trường. Thương cậu con trai sớm bất hạnh, bố mẹ Trường đánh bạo đến trường xin học cho con. Được sự giúp đỡ của mọi người, Trường được Hội Người mù tỉnh Hà Tây cũ nhận vào học cùng các bạn chung cảnh ngộ. Đáp lại tình thương của cha mẹ, lại là anh cả trong nhà nên Trường quyết tâm phải học hành thành tài để kiếm được công việc ổn định nuôi sống gia đình. Suốt những năm học phổ thông, Trường luôn là học sinh giỏi, được các thầy cô khen ngợi .

Nhẫn nại làm quen dần với bóng tối, rồi làm chủ những con chữ nổi, điều lớn hơn cả là chiến thắng được sự cô đơn khi sớm phải xa nhà đi học. Những cố gắng của anh đã được đền đáp anh trở thành học viên khiếm thị đầu tiên được vào học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với mong muốn giúp đỡ cho những người khiếm thị như mình, năm 2000, anh vào làm ở Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người khiếm thị (thuộc TW Hội Người mù Việt Nam). Cũng ở đây, anh gặp người vợ thông minh, đầy nghị lực của mình – chị Đinh Việt Anh.

Cũng như anh, chị cũng là một người khiếm thị. Năm chị lên 3 tuổi, phát hiện con gái khó khăn trong việc nhìn, bố mẹ chị vội vã đưa đi khám. Thế nhưng, mọi sự đã muộn màng bởi một bên mắt của cô bé Việt Anh đã hỏng và con mắt còn lại chỉ nhìn được rất mờ. Thương cô con gái sớm phải chịu cảnh thiệt thòi, năm Việt Anh lên 6 tuổi, bố cõng Việt Anh đến trường xin cho  cô bé  đi học. Việt Anh vui lắm.

Chị nhớ lại: “Ngày đó, mắt mình vẫn còn nhìn thấy mờ mờ nên hằng ngày đều phải mang một cái bàn nhỏ ra cửa ngồi, nhìn sát trang giấy trắng để kẻ dòng, tô thật đậm để có thể nhìn thấy và viết cho thẳng hàng”. Cứ thế cái ý chí ham học hỏi ấy giúp cho Việt Anh suốt 9 năm luôn đạt học sinh giỏi. Thế nhưng đến cuối năm lớp 10 thì mắt chị hỏng hẳn. Vớt vát cơ hội có ánh sáng cuối cùng cho con, gia đình chị chấp nhận kinh phí đắt đỏ làm phẫu thuật thay giác mạc cho chị. Sau ca phẫu thuật, chị cũng chỉ nhìn được 1/10 rồi cuối cùng vẫn là màu đen bóng tối bao phủ.

Nhớ trường, nhớ lớp, chị nhất quyết xin bố mẹ cho đi học lại dù việc học lúc này rất khó khăn cho một cô gái mù lòa. Chị nhờ bố mẹ xin thầy cô cho đi đến lớp để nghe giảng. Những ngày đó vùng quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) chị sinh sống còn rất nghèo, chưa được tiếp xúc hay nghe  nói gì về các trung tâm, tổ chức dành cho người mù nào nên việc học của chị cực kỳ vất vả. Thế nên chị không được học chữ nổi mà vẫn phải học và viết chữ như người sáng mắt. Thương và cảm phục nghị lực và sự ham học của cô gái trẻ, nhà trường tạo những điều kiện thuận lợi nhất để chị có thể hoàn thành chương trình học phổ thông. Không chỉ học dự thính, những môn nào có thể học thuộc thì các thầy cô đều cho chị thi vấn đáp, còn môn nào bắt buộc phải viết thì cô viết hoặc nhờ bạn bè viết hộ.

Vợ chồng anh Phạm Xuân Trường - chị Đinh Việt Anh.

Học hết cấp III, chị thi vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhưng không đỗ. Chị quyết định đăng ký hệ đại học từ xa do Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Theo học 2 năm thì phải dừng do trường không tổ chức thi được cho học viên. Thế nhưng không nản chí, chị tìm cách thi lại và hoàn thành xuất sắc chương trình học ngành Quản lý xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong thời gian đó, chị cũng bắt đầu có những sáng tác thơ đầu tiên gửi Báo Lao động Nghệ An. Dù không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng tình yêu, niềm tin và sự lạc quan trong những bài thơ chị gửi báo đã làm lay động bao trái tim người đọc. Sự cảm mến ấy trở thành sự cảm phục khi họ biết những vần thơ trong sáng ấy được viết nên từ tâm hồn của một cô gái trẻ khiếm thị.

Năm 1997, chị về làm công tác giảng dạy tại Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người khiếm thị (thuộc TW Hội Người mù Việt Nam). 3 năm sau anh Trường cũng về đây công tác và mối duyên tình đẹp đã gắn kết họ từ đây.

Tình yêu thắp sáng mù lòa

Anh chị đến với nhau giản đơn từ những chia sẻ trong công việc thường ngày. Sự thông minh, nhẹ nhàng của cô giảng viên trẻ đã chinh phục anh Trường từ lúc nào không hay. Và chị sau những buổi soạn giáo án cùng anh, chị cũng thầm cảm mến chàng trai giàu nghị lực ấy. Không ai nói với nhau một lời, họ âm thầm dành cho nhau sự chăm sóc và yêu thương. Những buổi tối cuối tuần rảnh rỗi, anh chị lại cùng nhau tản bộ. Tình yêu của họ cũng lãng mạn như bao cặp tình nhân khác nhưng họ không thể lường trước những thử thách dành cho mình ở phía trước.

Khi biết chuyện yêu đương của 2 người thì cả hai bên gia đình đều quyết liệt phản đối. Người thân trong gia đình đều lo lắng cho tương lai một gia đình nhỏ với 2 người khiếm thị. Đặc biệt là gia đình Trường vốn dĩ đã khó khăn lại có tới mấy anh em cùng khiếm thị. Đau khổ dằn vặt, một bên là tình riêng, một bên là gia đình mọi thứ với họ lúc đó như rơi vào bế tắc. Sau bao đêm mất ngủ, Việt Anh quyết định chuyển công tác về Hà Tĩnh.

Những tưởng khoảng cách địa lý và thời gian khiến họ chia xa nhưng ngược lại càng lại cháy bùng thêm tình yêu nồng nàn của anh chị. Anh chị thường xuyên trò chuyện qua điện thoại vì thỉnh thoảng lắm anh mới có điều kiện bắt xe về Hà Tĩnh thăm chị. Anh Trường chia sẻ: “Việc đi lại vốn đã chẳng dễ dàng nơi bến xe bến tàu, thế nên việc về thăm cô ấy cũng khó khăn lắm. Chúng tôi chỉ biết an ủi, động viên nhau cùng cố gắng, nỗ lực qua điện thoại. Tôi thương cô ấy chịu nhiều thiệt thòi bởi phải chờ đợi tôi tận 9 năm mới có thể làm đám cưới”.

Sau khi mấy em đã yên bề gia thất, bổn phận làm anh đã hoàn thành thì anh chị mới có được cái kết viên mãn là một đám cưới hạnh phúc, quây quần đông đủ người thân, bạn bè. Trung tâm nơi anh chị làm việc đã tạo điều kiện cho đôi vợ chồng trẻ một phòng nhỏ trong ký túc xá của trung tâm. Từ nay, anh chị đã có thể yên tâm ổn định cuộc sống và đắp xây tương lai. Cuối năm 2009, chị Việt Anh lại chuyển công tác ra Hà Nội và được cử làm Phó Giám đốc Trung tâm. Không còn những ngăn trở địa lý, niềm hạnh phúc sum vầy càng tăng lên gấp bội. Và niềm vui thêm vỡ òa khi sau đó không lâu, anh chị vui mừng đón chào một thành viên mới.

Anh Trường bồi hồi nhớ lại: “Hôm vợ tôi chuyển dạ cũng là lúc đang làm việc, thế là anh chị phải vội vã bắt xe đến bệnh viện. Cảm giác bồn chồn, lo lắng rồi hồi hộp cứ đan xen đợi con ra đời. Giây phút bế con gái bé bỏng trên tay là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời mà tôi không thể nào quên”. Cô bé Hà Anh – cái tên với chữ Hà gợi nhớ quê hương của anh chị và Anh - tên của một loài gỗ đẹp với mong muốn con gái đầu lòng sẽ luôn được ban tặng những điều tốt đẹp của cuộc sống càng lớn càng xinh đẹp, hiếu động.

Năm nay Hà Anh đã 3 tuổi rưỡi, suốt ngày líu lo đủ các bài hát Việt, Anh với bố mẹ. Vì có bà ngoại lên phụ giúp nên anh chị cũng bớt phần vất vả, thế nhưng khi bà vê,ì ngoài 2 vợ chồng lại thay phiên người tắm giặt, người lo cho con ăn. Chị Việt Anh chia se:ã “Hồi mới sinh, tôi rất bỡ ngỡ khi bế một đứa trẻ trên tay. Trước đó, tôi chưa thể hình dung được việc ẵm một em bé mới sinh trên tay là thế nào và chăm sóc bé ra sao. Những ngày đầu phải nhờ mọi người giúp đỡ rất nhiều. Sau đó thì vài lần rồi thành quen và thấy không quá khó khăn. Có lẽ thiên chức của người mẹ là yêu thương và chăm sóc con cái nên mọi thử thách đều trở nên dễ dàng hay sao đó”.

Anh Trường ngồi kế bên, cười nói góp thêm: “Có thêm đứa trẻ vất vả hơn nhưng không khí gia đình tôi luôn ấm cúng, hạnh phúc. Có lúc chúng tôi còn giành nhau tắm cho cháu”. Khó nhất là khi cho Suri (tên thân mật ở nhà của bé Hà Anh) bởi cháu cực kỳ lười ăn. Lắm lúc quay đi quay lại, cả bát cháo rơi hết xuống đất nhưng vất vả thế vất vả hơn nữa anh chị cũng sẵn lòng đương đầu để có được hạnh phúc!

Trong tương lai không xa, gia đình nhỏ của họ sẽ có thêm thành viên mới nhưng trước mắt chị Việt Anh phải hoàn thành công việc học nâng cao và làm nghiên cứu sinh. Bận rộn với công việc cả ngày nên thời gian còn lại họ đều dành tất cả cho nhau và cô con gái bé bỏng. Bạn bè, đồng nghiệp đều yêu quý đôi vợ chồng trẻ giàu nghị lực và lạc quan. Họ cũng rất đỗi tự hào khi được làm việc cùng anh chị. Và mái nhà của Trung tâm đã trở thành gia đình lớn của những người khiếm thị, của những người anh chị em thân thiết dù không chung dòng máu.

Tiếng cô con gái líu lo ngoài sân sau giờ tan học khiến không gian im ắng của căn phòng bị khuấy động. Anh chị vui mừng ra tận cửa ôm cô con gái cưng vào lòng. Ai nấy đều rạng rỡ nụ cười hạnh phúc. Dù không thấy được ánh sáng, dù số phận thiệt thòi nhưng họ đã không ngừng vươn lên, lạc quan và tin tưởng vào sự tươi đẹp của cuộc sống. Họ đã viết riêng cho mình câu chuyện tình yêu, câu chuyện cuộc đời cảm động và đáng trân trọng. Món quà cho sự nỗ lực không ngừng ấy là sự nghiệp thành đạt, hạnh phúc chung đôi và báu vật cuộc đời thiên thần Hà Anh

Nguồn: cand

Sưu tầm: Thế Sơn