Một người mù vượt khó làm giàu

Ngày đăng: 19/11/2013 - 813 lượt đọc

Từ nguồn vốn vay 3 triệu đồng, người cha mù gà trống nuôi con thành người, xây nhà cửa cơ ngơi ổn định. Hiện nay thu nhập mỗi năm trên trăm triệu đồng.

Ông Phan Văn Mẹt, 57 tuổi, ở ấp 8, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre, sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em, ngay từ nhỏ đã làm đủ thứ chuyện để phụ giúp gia đình. Năm 15 tuổi, khi đi cuốc khoai mướn, ông bị trái M79 nổ hư hết một mắt phải, mắt còn lại cũng bị ảnh hưởng nên chỉ thấy lờ mờ. Tuy vậy, ông vẫn đi đăng cá, tép và chất chà bắt tôm ở ngoài sông cái (sông Hàm Luông) để giúp đỡ gia đình. Năm 27 tuổi, ông lập gia đình, vợ chồng cất một cái chòi lá gần ngoài sông cái tiếp tục nghề đăng cá. Qua năm sau, vợ chồng ông có cô con gái. Bất ngờ, con mắt còn lại của ông mù hẳn, ông đi lại, làm việc khó khăn hơn nhưng vẫn là lao động chính. Từ sáng đến tối ông quần quật chạy gạo lo bữa cơm gia đình. Trong khi đó, vợ ông tính ít lo, hay tiêu xài, số tiền dành dụm ít ỏi của ông vô những việc không đâu. Hai năm sau, cô vợ bỏ nhà theo người đàn ông khác, để lại đứa con mới ba tuổi, ông một mình lùi lủi làm thuê, sờ soạng bắt cá nuôi con.

Ông Mẹt một thân một mình chăm sóc đàn heo. Hằng ngày ông nạo cơm dừa trộn cám cho heo ăn. Ảnh: Văn Tâm

Khởi nghiệp từ con heo nái

Hơn 10 năm trước, được Hội Người mù huyện cho vay 3 triệu đồng, ông “khởi nghiệp” nghề nuôi heo giống. Số tiền vay ông xây một cái chuồng nhỏ và mua một con heo cái con làm giống. Phần ít tiền còn lại ông để dành mua thức ăn cho heo và dứt khoát không đụng vô. Hằng ngày, ông đi làm thuê, hễ ai mướn chuyện gì bồi vườn, bồi mía, vét mương ở đâu ông cũng làm, vừa kiếm tiền nuôi sống bản thân vừa lo cho đứa con gái học hành. Ngoài giờ làm thuê, ông xách nước dội chuồng heo, nạo dừa khô lấy cơm dừa trộn cám cho heo ăn và chăm sóc tỉ mỉ bầy heo con. Lúc nào rảnh thì ông đi chài tép, bắt cá để phụ thêm cho cuộc sống. Đến lúc con heo đẻ bầy đầu được tám con, ông bán đi bảy còn giữ lại một heo cái con và tiếp tục làm giống. Chăm chút tích lũy dần. Hiện giờ ông có 12 con nái mỗi năm cho ra khoảng trăm heo con.

Ông nói trong niềm vui: “Đời tôi vui nhất là được chăm sóc đàn heo. Nhất là mấy bầy heo con, nếu sơ hở một chút là con heo mẹ nằm lên mình con nào đó một cái là chết toi. Có một lần tôi đi đám giỗ, gặp người bạn ở xa lâu ngày không gặp, vui quá nên uống ít rượu. Bữa đó tôi ngủ quên một lúc, khi tỉnh dậy hoảng hồn vì bỏ bê mấy con heo không biết chúng có sao không. Tôi nghe chúng kêu ỉ ê ngoài chuồng nên vội chạy theo quán tính một mạch ra chuồng rồi mò mẫm từng con một. Thấy chúng vẫn ổn tôi thở phào. Từ đó đến giờ, tôi không bỏ chúng đêm nào”.

Gà trống nuôi con

Anh Nguyễn Văn Bé Hai, gần nhà ông Mẹt, cho biết: “Lúc trước, ở đây có chuyện gì ai cũng mướn anh Mẹt làm hết. Anh Mẹt thật thà, siêng năng, chăm chỉ, làm việc gì cũng không chê vào đâu được. Tuy không nhìn thấy nhưng bồi mía, bồi vườn anh vét bùn dưới mương sạch trơn, trên bờ thì thoa láng bóng trông đẹp con mắt. Còn nói đến chài tép, bắt cá thì anh là số một ở xứ này. Con gái anh có phước, không phải ăn mắm, ăn muối, không mặc đồ rách hay lem luốc như những đứa trẻ nghèo khác. Nó mà đi một mình ra đường, sẽ không ai nghĩ nó là con của người mù gà trống nuôi con như anh Mẹt”.

Con gái anh được học đến tốt nghiệp cấp 3, đã có chồng ở Long An và vẫn thường xuyên về thăm anh.

Anh Trần Văn Chí, người bỏ thức ăn heo cho ông Mẹt, nói: “Thấy anh một mình mù lòa, một số người muốn ngỏ ý giúp đỡ nhưng anh kiên quyết trừ chối. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi ra, anh Mẹt cương quyết không chịu sự giảm giá hay bất kỳ sự giúp đỡ nào khác”.

Khoảng bốn năm trước, dành dụm được gần trăm triệu đồng, ông xây nhà và hoàn tất hết các công đoạn, chỉ duy nhất còn lại cái nền đất do thiếu tiền lót gạch. Anh Chí vận động mấy anh em đại lý thức ăn khác gom góp được 13 triệu đồng đưa cho ông lót nền nhưng ông cũng từ chối. Qua năm sau, ông bán được bầy heo nữa rồi tự mua gạch về lót hoàn tất căn nhà hơn trăm triệu đồng của mình.

VĂN TÂM

Sưu tầm: Đào Thịnh