Người đàn ông khuyết tật với những sản phẩm tuyệt đẹp từ tăm tre

Ngày đăng: 27/01/2015 - 1569 lượt đọc

Với đôi chân tàn phế, người bị tê liệt, bằng nghị lực phi thường, anh Hóa đã trở thành “người thầy” ươm mầm ước mơ cho không ít người khuyết tật.

Chiều định mệnh và cơ duyên đến với tăm tre

Một một buổi chiều năm 2006, trên đường đi làm về, anh Lê Văn Hóa (SN 1973) ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) không may gặp tai nạn giao thông. Sau vụ tai nạn, do hoàn cảnh gia đình nghèo không có tiền chữa trị nên anh đành chấp nhận cuộc đời tàn phế.

Suốt nhiều năm, anh chỉ biết ăn nằm một chỗ, không muốn giao tiếp với ai bên ngoài. Và trong đầu anh lúc nào cũng chỉ biết nghĩ đến cái chết, bởi anh sống chỉ là gánh nặng cho cả gia đình.

Dù tàn tật, nhưng bằng nghị lực phi thương và sự động viên của gia đình nên anh Hóa đã vượt lên chính mình và trở thành người "tàn mà không phế"

Cuộc sống hằng ngày anh chỉ biết làm bạn với cái tivi, nhưng rồi cũng chính từ đó anh đã cảm nhận được nhiều người cũng tàn tật như mình nhưng họ vẫn lạc quan để sống. Từ đó anh dần dần quên đi ý nghĩ tiêu cực và nghĩ phải làm một cái gì đó để giúp gia đình.

Đến năm 2008, cũng trong một lần xem tivi, anh thấy có người chiến sĩ tặng bạn gái một món quà lưu niệm hình trái tim kết lại bằng tăm tre rất đẹp. Ý tưởng bắt đầu lóe lên và sau đó anh bắt đầu làm thử những sản phẩm tự mình sáng chế từ tăm tre.

“Những ngày đầu mới bắt tay vào làm khó khăn chồng chất khó khăn, bởi từ trước tới giờ mình chưa biết gì về sản phẩm này hết, hơn nữa cũng không có ai dạy mình làm cả, chủ yếu là tự tưởng tượng ra mà làm thôi, nhiều lúc làm đi làm lại cả trăm lần vẫn cứ thấy xấu. Đôi lúc chỉ muốn buông xuôi tất cả, cho ra nhiều sản phẩm nhưng cũng chỉ để đó chứ không ai để ý, dù người ta vẫn khen đẹp nhưng mình biết đó chỉ là khen để động viên mình thôi”, anh Hóa nhớ lại.

Rồi suốt gần một năm trời ròng rã, anh đã cho “ra lò” những sản phẩm tinh xảo, khiến mọi người phải trầm trồ thán phục, bởi khi ước mơ làm được một sản phẩm từ tăm tre như chiến sĩ tặng cô gái trên tivi chỉ là điều không tưởng thì bây giờ anh có thể làm ra hàng trăm sản phẩm “độc đáo” từ tăm tre, que kem như: nhà Bác Hồ, cổng Bình Quan, chùa Một Cột, Văn Miếu, nhà lưu niêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Anh Hóa với sản phẩm ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ươm mầm ước mơ cho người khuyết tật

Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm của anh được nhiều người biết đến, rất nhiều em học sinh trong làng mỗi khi có sinh nhật hay lễ tết đều đến mua sản phẩm của anh về làm quà. Dần dần anh càng đam mê với nghề này hơn, sản phẩm càng làm càng đẹp, thời gian dành cho một sản phẩm được rút ngắn, nên số lượng anh làm ra ngày một nhiều. Từ đó, anh bắt đầu lên mạng và liên hệ với nhiều nơi để giới thiệu, quảng bá nhằm tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình.

Tại các buổi triển lãm, hội chợ... anh đều đem sản đến giới thiệu với mọi người. Nhờ vậy, nhiều người từ khắp nơi đã gọi điện đặt hàng, lúc đầu họ đặt với số lượng rất nhỏ, chủ yếu là 1 đến 2 sản phẩm chỉ để trưng bày trong nhà cho đẹp, nhưng dần dần người ta cảm nhận được sự tinh tế, điêu luyện trong từng sản phẩm nên đặt hàng để bán với số lượng lớn.

Cuộc sống hiện tại của gia đình cũng chẳng khấm khá gì, nhưng anh thấu hiểu được những khó khăn của những người cùng cảnh ngộ, họ mặc cảm, tự ti nên mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.

Mặc dù hai chân bị liệt, nhưng trên chiếc xe lăn và không quản ngại đường sá xa xôi, dù là mưa hay nắng, anh cũng tìm đến từng nhà để động viên những người khuyết tật giống như anh, để họ có thể vươn lên trong cuộc sống bằng một cái nghề phù hợp.

Mong ước lớn nhất của anh Hóa lúc này là có thêm nguồn vốn để mở một xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ để dạy cho người khuyết tật

Với tâm huyết và sự đồng cảm, từ năm 2012 đến nay anh đã “truyền nghề” cho hàng chục người khuyết tật và giờ đây họ cũng đã làm thành thạo và có nhiều người đã có thu nhập rất khá.

Chia sẻ về tương lai, anh Hóa tâm sự: “Bây giờ, mong muốn lớn nhất của mình là có thêm nguồn vốn để mở một xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ để dạy cho người khuyết tật, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng, để họ thấy được mình vẫn là người có ích cho xã hội”.

Nguồn: Dantri

Sưu tầm: Hoàng Hạnh