Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của Hội Người mù Việt Nam.

Ngày đăng: 08/10/2020 - 927 lượt đọc

Sáng 6/10, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III, giai đoạn 2020 – 2025.

Tới dự Đại hội có các đồng chí: Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, Hội Người mù Việt Nam cùng các đại biểu ưu tú được lựa chọn trong 56 tỉnh, thành Hội và trên 70 nghìn hội viên người mù.

Các đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 3 của Hội Người mù Việt Nam

Báo cáo về kết quả hoạt động của Hội trong giai đoạn 2015-2020, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết, 5 năm qua, Hội đã phát triển thêm được 3 tỉnh Hội là Hà Giang, Đắk Nông và Bắc Kạn. Tổ chức Hội hiện nay đã có ở 56 tỉnh, thành Hội, 425 huyện Hội, 519 Hội xã, phường; 3.210 chi hội và 74.329 hội viên.

Để phong trào thi đua được phong phú, thiết thực và sát với tình hình thực tế, các cấp Hội đã hưởng ứng đăng ký với các chuyên đề khác nhau, tập trung vào việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng", "Chương trình hành động việc làm, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2022" và cuộc vận động “Cải cách hành chính”. Đây là các cuộc vận động vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài và toàn diện.

Công tác chăm lo đời sống hội viên cũng luôn được các cấp hội thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, trong 5 năm có 1.017.617 lượt hội viên người mù được tặng quà; 789 ngôi nhà làm mới, 638 ngôi nhà được sửa chữa.

Xác định văn hóa, giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, chính vì vậy, các cấp Hội đã khuyến khích, tạo điều kiện, đẩy mạnh phong trào thi đua, thường xuyên mở các lớp xóa mù chữ, các lớp tiền hòa nhập bằng chữ nổi (Braille), nhiều hội viên sử dụng chữ nổi thành thạo.

Với tinh thần đổi mới và sáng tạo trong triển khai các phong trào thi đua, 5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân trong Hội đã được Nhà nước tặng các Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các hình thức khen thưởng khác đã khẳng định hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước của Hội. Tại Đại hội, 6 cá nhân đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen; 5 cá nhân được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và 51 cá nhân là đại biểu ưu tú được lựa chọn trong 56 Tỉnh, Thành hội trên cả nước được nhận Bằng khen của Hội Người mù Việt Nam.

Tặng Bằng khen của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cho 6 cá nhân

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của Hội trong 5 năm qua, đã tạo nên khí thế, động lực để cán bộ, hội viên phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; góp phần chăm lo đời sống và tạo cơ hội cho người mù phấn đấu vươn lên, khẳng định bản thân và hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội.

Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Đại hội

“Hội vừa là cánh tay vươn dài, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với hội viên, vừa làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến một cách hiệu quả vào quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng. Hội là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Hiệp hội Người mù thế giới, vị thế của Hội và người mù trong nước và quốc tế ngày càng được nâng lên.” – Đồng chí Phùng Khánh Tài khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, các cấp hội tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả việc kí kết giao ước thi đua, đề ra tiêu chí đánh giá rõ ràng, công khai, công bằng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết để  khích lệ các cá nhân tập thể. Kịp thời sơ, tổng kết để phát huy kết quả, rút kinh nghiệm và điều chỉnh những nội dung cần thiết; phát hiện, động viên, khích lệ và nhân rộng những điển hình tiên tiến qua các hình thức tuyên truyền trên tạp chí của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Phạm Ngọc