Nghị lực của những người phụ nữ khiếm thị

Ngày đăng: 04/11/2013 - 963 lượt đọc

Gặp những tấm gương phụ nữ khiếm thị vượt khó, tôi đều nhận thấy ở họ một nghị lực phi thường. Những thiệt thòi, những bất hạnh do tật nguyền đã khiến họ sống như một người bình thường đã khó, vậy mà họ đã vượt lên trên nỗi bất hạnh để khẳng định mình, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Có gặp gỡ, tiếp xúc với những phụ nữ khiếm thị mới thấy hết những khó khăn trong cuộc sống đời thường của các chị và cảm phục ý chí kiên cường vượt khó bằng mọi cách để vươn lên. Chị Lã Thị Vui (thôn Cao Xá, phường Lam Sơn, TP.Hưng Yên) là một minh chứng. Sinh năm 1955 nhưng có đến 2/3 quãng thời gian chị Vui phải sống trong bóng tối. Chị chia sẻ về những bất hạnh trong cuộc đời của mình. Khi học lớp 7, trong một lần ra chơi, bạn học cùng lớp nô đùa đã ném chiếc rùi trống nhưng chẳng may chiếc rùi trống đó rơi trúng vào mắt chị. Mặc dù đã được cha mẹ đưa đi chữa trị ở khắp các bệnh viện nhưng một mắt bên trái của chị đã hỏng hoàn toàn. Do bị ảnh hưởng từ bên mắt trái nên thị lực mắt bên phải của chị Vui cũng ngày càng giảm dần, chỉ nhìn được 3/10. Cảm thông với hoàn cảnh của một người con gái đẹp nết nhưng thiếu may mắn, anh Đỗ Văn Đa, một chàng bộ đội cùng làng đã kết duyên cùng chị. Cuộc sống của anh chị tuy nghèo khó về vật chất nhưng giàu về tinh thần. Anh chị sinh được năm người con nhưng đứa nào cũng ngoan ngoãn và giỏi giang. Hai người con lớn đã lập gia đình, người con thứ 3 của chị đang làm bác sỹ, người con gái thứ 4 đang làm phóng viên cho một tờ báo ở Hà Nội, con gái thứ 5 đang học đại học. Với những người bình thường, để chăm lo cho năm đứa con ăn học đã vất vả thì với vợ chồng chị Vui, nỗi vất vả ấy lại nhân lên gấp bội phần. Chị xoay xở đủ nghề, đủ việc, ngoài cấy lúa, trồng ngô, chị còn nuôi ba ba và lợn nái. Chị Vui chia sẻ : “Tôi nghĩ trong cuộc sống còn rất nhiều người thiếu may mắn hơn tôi mà họ vẫn vượt qua. Vì vậy, tôi càng phải cố gắng sống tốt để không trở thành gánh nặng cho gia đình”.

Chị Lã Thị Vui đang chăm sóc ao ba ba

Một tấm gương tiêu biểu nữa cho sự nỗ lực vượt qua “bóng tối” vươn lên trong cuộc sống đó là chị Nguyễn Thị Na (thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu). Tôi đến thăm chị Na giữa lúc chị đang tẩm quất cho khách. Qua lời kể của Chủ tịch Hội Người mù huyện Khoái Châu, tôi được biết về hoàn của  gia đình chị. Cách đây hơn chục năm, trong căn nhà dột nát, 4 con người - 4 số phận vá víu dựa vào nhau để sống. Chị bị mù cả hai mắt, phải nằm ôm đứa con thơ, chồng chị bị mắc bệnh ung thư, bệnh tật hành hạ, đi lại đã khó thì nói gì chuyện kiếm tiền về nuôi vợ con. Vì vậy, trong căn nhà siêu vẹo ấy chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường đã cũ kỹ. Không thể ngồi nhìn người chồng yêu quý đếm sự sống từng ngày, không thể để con thơ chết đói, chị đã tìm việc để làm. Bước đầu, được  Hội Người mù huyện tạo điều kiện, cho chị đi học nghề tẩm quất cổ truyền. Khó có thể kể hết nỗi cơ cực của chị trong quãng thời gian vừa lo học nghề để kiếm tiền, vừa chăm sóc con nhỏ, vừa lo cho chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng rồi những nỗ lực của chị đã được đền đáp. Chị đã có cơ sở tẩm quất riêng. Do chất lượng phục vụ tốt nên cơ sở tẩm quất của chị ngày càng đông khách, một mình chị không đủ sức để làm, chị Na đã mượn hai người có cùng hoàn cảnh đến phụ giúp.  Và một điều đáng trân trọng ở chị, mặc dù là thuê người đến phụ giúp nhưng đến cuối tháng cơ sở làm được bao nhiêu, trừ mọi chi phí, chị đều chia số tiền kiếm được ra làm ba phần, không phân biệt chủ - thợ. Theo nghề tẩm quất được hơn 10 năm, căn nhà xiêu vẹo ngày nào được thay bằng ngôi nhà xây khang trang, chị mua sắm đầy đủ các vật dụng trong nhà và có tiền nuôi con ăn học.

Vào một ngày đầu xuân, theo lời kể của mấy anh cán bộ xã, tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Mỡ (thôn Bái Khê, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ). Ra mở cổng cho tôi là một người phụ nữ chừng 60 tuổi, mới nghe lời chào hỏi thân thiện và vui vẻ của chị, tôi không nghĩ đó là một người phụ nữ bị khiếm thị bẩm sinh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em nhưng chỉ có chị Mỡ là thiệt thòi nhất. Ngay từ khi sinh ra chị đã không được nhìn thấy ánh sáng, sống hơn 60 tuổi đời cũng chính là chừng ấy thời gian chị phải lần mò trong bóng tối. Lúc nhỏ được cha mẹ nuôi dưỡng, khi lớn lên, các anh chị em của chị lập gia đình, ở nhà chỉ còn chị và một người chị gái yếu đau. Mặc dù hai mắt không nhìn thấy gì, lại phải lo cho chị gái ốm đau nhưng chị Mỡ chưa một lần có ý nghĩ sống dựa dẫm vào người khác. Chị muốn sống tự lập, chị muốn khẳng định với mọi người là chị “tàn nhưng không phế”. Để có tiền mua đồng rau, bát mắm, chị phải cặm cụi rút rơm làm chổi, mỗi chiếc chổi chỉ lãi được 2 nghìn đồng, nhưng “năng nhặt chặt bị” nên cuộc sống của hai chị em cũng đủ ăn. Chị Mỡ  tâm sự: “Mình còn sức khỏe thì cần phải cố gắng, chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác”.

Chị Trần Thị Mỡ đang rút rơm làm chổi

Như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa, những người phụ nữ ấy đã vượt lên bóng tối, thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của họ. Các chị đã vượt lên bệnh tật éo le và cảnh ngộ khó khăn tạo lập hạnh phúc, đã biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Các chị xứng đáng là tấm gương sáng cho không chỉ riêng chị em phụ nữ khuyết tật mà còn cho nhiều người trong xã hội.

Vũ Huế

Sưu tầm: Thanh Mai