Tình nguyện hiến giác mạc cho người mù

Ngày đăng: 06/11/2013 - 891 lượt đọc

Hàng ngàn người dân H.Kim Sơn (Ninh Bình) đã đăng ký hiến giác mạc với tâm nguyện đem lại ánh sáng cho những người mù lòa.

“Những người hiến giác mạc đã cho em cuộc đời thứ hai”,  chàng thanh niên nhỏ nhắn vừa nhận bằng tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội Lê Văn Doanh (H.Thanh Hà, Hải Dương) đã nói như vậy tại buổi lễ tôn vinh những người ghép giác mạc diễn ra sáng qua 8.10 tại H.Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

“Người hiến giác mạc đã cứu vớt cuộc đời em, gần như là đã ban tặng cho em cuộc đời thứ hai. Nếu không được ghép giác mạc, suốt đời em sẽ là một màn đêm đen kịt”, Doanh xúc động nói.

Năm 2006, khi đang học lớp 11, hai mắt của Doanh cứ mờ dần rồi đến một ngày không còn nhìn thấy gì nữa. Mọi sinh hoạt hằng ngày, Doanh phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của bố mẹ. Tìm đến Viện mắt T.Ư khám, các bác sỹ kết luận, Doanh mắc phải chứng bệnh giác mạc hình chóp, nếu không được ghép giác mạc, sẽ mù vĩnh viễn. Sau khi đăng ký ghép giác mạc, Doanh về nhà đợi chờ trong hy vọng.

Hơn một năm sau, bệnh viện thông báo đã có người hiến tặng giác mạc. “Lúc tháo băng, em nhìn thấy rất rõ, có thể đọc được chữ trên các tấm biển trong phòng bệnh. Em sung sướng vô cùng. Em đã được nhìn thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt gầy gò của bố. Em bật khóc vì thương bố mẹ đã quá vất vả vì mình”, Doanh tâm sự. Trả ơn người cha, đền ơn người hiến giác mạc, cho mình được nhìn lại ánh sáng, Doanh miệt mài đèn sách để rồi sau đó thi đỗ cả 2 trường đại học danh tiếng: Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Bính (xã Yên Nhân, H.Yên Mô, Ninh Bình) cũng may mắn được ghép giác mạc nhờ một người hiến tặng. Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam ác liệt, nhiều lần hứng chịu chất độc của kẻ thù đã khiến người lính năm xưa bị mù vì thoái hóa giác mạc.

“Bây giờ, sau ca phẫu thuật tại Viện mắt T.Ư, được ghép giác mạc, tôi đã nhìn rõ mọi thứ, cảm như mình đã được sống lại. Mọi sinh hoạt tôi đều tự chủ được hết, không còn phụ thuộc vào bà ấy và mấy đứa con nữa, thậm chí có thể chạy xe đạp, xe máy đi thăm thú khắp nơi”, ông Bính hồ hởi.

Nghĩa cử cao đẹp

Ông Phạm Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Kim Sơn nói, được nhìn lại ánh sáng là khát khao tột cùng của những người mù lòa. Những người hiến tặng giác mạc đã thắp sáng lên hy vọng cho những người mù liên quan đến các bệnh lý về giác mạc. H.Kim Sơn là địa phương có người tự nguyện hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam, đó là cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi. Noi gương sáng của cụ Hoa, đến nay, cả huyện Kim Sơn đã có 128 ca hiến giác mạc, đem lại ánh sáng cho 256 người mù và 8.750 người khác đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Cậu thanh niên Mai Văn Dần (xã Cồn Thoi) năm nay mới ngoài 20 tuổi nhưng đã tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc từ vài ba năm trước. “Bố em đã hiến giác mạc rồi. Ông nằm xuống nhưng đã giúp hai người mù lòa được sáng mắt. Noi gương bố, em sẽ hiến tặng giác mạc để những người mù lòa có thể nhìn thấy được”, Dần tâm sự.

Ông Đỗ Đình Hùng (xã Quang Thiện, H.Kim Sơn) cũng tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc, đồng thời vận động người thân, bà con lối xóm hưởng ứng, đến nay đã có trên 800 người sẵn sàng hiến tặng ánh sáng cho những người mù.

Được biết, đến nay, toàn quốc mới có 179 người hiến tặng giác mạc, trong đó riêng tại H.Kim Sơn đã có 128 người.

Quang Duẩn

Sưu tầm: Kỳ Thịnh